Không thể chậm trễ nữa

07/08/2022 05:42 GMT+7

Chuyện một giám đốc bệnh viện công không cầm được nước mắt khi nhắc đến mức thu nhập của nhân viên y tế trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP.HCM có lẽ chỉ là chuyện 'giọt nước mắt tràn ly' về chế độ chính sách cho ngành y.

Gần 10.000 bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ việc mới là con số “biết nói” và mới là điều để thật sự lo lắng. Liệu “hiệu ứng nghỉ việc” này có kịp dừng lại nhờ những quyết sách “sửa sai” kịp thời và quyết đoán của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan? Hay là y tế công vốn đang phải loay hoay với nghịch cảnh thiếu thuốc, thiếu máy móc vì “không dám mua sắm”, giờ lại sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng thiếu người?

Mất bao lâu thì ngành y đào tạo được một bác sĩ giỏi, một nhân viên y tế đủ kinh nghiệm tham gia khám chữa bệnh? Và mất bao lâu để tiếp nhận hàng chục nghìn đơn xin nghỉ việc của bác sĩ, nhân viên y tế? So sánh con số trả lời cho hai câu hỏi đó sẽ phải khiến chúng ta hoảng sợ.

Đây không phải lúc để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý tiếp tục quán tính của “trò chơi” phát ngôn truyền thông, tuyên bố hùng hồn phải cải cách này, phải điều chỉnh nọ, phải nâng lương ngay, phải trọng dụng thật rồi sau đó buông xuôi cho cái gọi là “do cơ chế” hết năm này qua tháng khác. Lời hứa về chính sách đãi ngộ cho ngành y trở thành lời hứa dài hạn.

“Do cơ chế” là hàm ý rằng sẽ có một trình tự dài dằng dặc những đề xuất, kiến nghị, phương án, sẽ có nhiều cuộc xem xét đánh giá nhiều cấp với một độ trễ đáng kinh ngạc thường là lên đến hàng năm trời. Không ai nói rằng các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý không cần đến trình tự pháp lý và quản trị cần thiết. Nhưng, không thể để những trình tự ấy cản trở việc giải quyết những vấn đề nóng liên quan lợi ích thiết thực của người dân, của xã hội. Trong tình cảnh của ngành y như hiện nay, sự chậm trễ và lạc hậu về chính sách sẽ góp phần “đánh sập” hệ thống y tế công, hoặc chí ít cũng đẩy hệ thống y tế công vào tình thế bất khả kháng, không thể hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Các chỉ báo của tình cảnh ấy đã trở nên quá rõ ràng. Nhiều bệnh viện công thiếu thuốc, thiếu máy móc vì hệ lụy của cơ chế quản lý lỗi thời. Nhiều ca bệnh phải “tháo chạy” sang bệnh viện tư vì sợ cảnh vào bệnh viện công không có thuốc. Hàng ngàn nhân viên y tế nộp đơn nghỉ việc vì rất nhiều nỗi niềm nghề nghiệp mà phần lớn là liên quan chính sách bất cập. Và giọt nước mắt không cầm lại được của một giám đốc bệnh viện công khi nhắc đến thu nhập của nhân viên y tế trong cuộc gặp chân tình với Bí thư Thành ủy TP.HCM không chỉ đơn giản là nỗi niềm cá nhân, mà còn là tâm tư đầy bức xúc của ngành y tế.

Đãi ngộ tương xứng và tạo điều kiện để đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế an tâm tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không thể cứ là lời hứa dài hạn của chính sách nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.