Lăng kính bạn đọc:

Không thể biện minh để kéo dài quy hoạch 'treo'

Đ.Huân
(tổng hợp)
05/11/2023 06:48 GMT+7

Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ việc nên có cơ chế bắt buộc phải bồi thường để ràng buộc trách nhiệm, không thể để tùy tiện trong vấn đề quy hoạch 'treo'.

Như Thanh Niên thông tin, thảo luận tại Quốc hội về luật Đất đai sửa đổi, ở điều 76 về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), dự thảo vẫn chưa đưa ra được quy định chấm dứt tình trạng quy hoạch "treo", gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân.

Không thể biện minh để kéo dài quy hoạch 'treo' - Ảnh 1.

Những dự án “treo” kéo dài tại TP.HCM như Bình Quới - Thanh Đa khiến người dân bức xúc

Ngọc Dương

"Dự thảo chưa làm rõ vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây lãng phí tài nguyên đất đai, có chịu trách nhiệm bồi thường không, xử lý ra sao, thực hiện thế nào?", ông Phương nói và đề nghị cần quy định rõ hơn.

Tranh luận về điều 76, theo đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa), dự thảo quy định hằng năm cấp huyện phê duyệt, nhưng trong 2 năm chưa điều chỉnh hủy bỏ thì người dân được sử dụng bình thường, không bị hạn chế. Dù có đại biểu cho rằng quy định này của dự thảo là tiến bộ, song theo ông Thân, nghiên cứu luật Đất đai hiện hành 2013 thì dự thảo mới sửa từ 3 năm xuống 2 năm, mà không khắc phục được tình trạng kéo dài của các dự án và các quy hoạch, kế hoạch kéo dài.

"Cần một sự đổi mới mạnh mẽ hơn, khi kế hoạch đất hằng năm không thực hiện có thể chuyển tiếp sang năm thứ 2, hết năm thứ 2 phải hủy bỏ", ông Thân nói và cho rằng kế hoạch sử dụng đất kéo dài vô thời hạn sẽ kéo theo quyết định thu hồi đất của người dân cũng dài vô thời hạn. Đề nghị quy định thời hạn với thông báo thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đại biểu cũng cho biết vẫn có địa phương quyết định thu hồi đất đã ban hành cách đây 7 - 8 năm. Tình trạng kéo dài khiến đời sống người dân không ổn định và gây ra nhiều hệ lụy khác.

Quá khổ vì quy hoạch treo

Là người dân có nhà đất nằm trong quy hoạch treo, bạn đọc (BĐ) Văn Sang cho biết "cuộc sống gia đình khổ trăm bề". "Nhà nằm trong khu quy hoạch treo, nhưng hơn 20 năm chưa thấy triển khai gì. Nhà thì xuống cấp mà xây sửa thì không được, bán dọn đi chỗ khác thì không ai mua. Chúng tôi quá khổ vì quy hoạch treo rồi! Không thể biện minh vì bất kỳ lý do gì để kéo dài quy hoạch treo nữa", BĐ này bức xúc.

Tương tự, BĐ Phú ý kiến: "Đất tôi ở bị quy hoạch từ 2014 - 2030, tầm nhìn đến 2050, như vậy gần xong một đời người. Bó tay với chính sách quy hoạch như thế này".

Còn BĐ Thin Pham viết: "Ngõ 4 m, quy hoạch mở rộng thêm mấy chục năm nay rồi, dân khổ sở khi xây dựng, sửa chữa nhà cửa... Cần có cái nhìn nhân văn hơn trong việc quy hoạch, có như vậy dân mới bớt khổ".

Sau 2 năm không triển khai thì phải bỏ quy hoạch

Quy hoạch treo lâu nay gây thiệt hại kinh tế và tinh thần cho người dân rất nhiều, BĐ mong mỏi nhà nước sớm có sự đột phá mạnh mẽ về vấn đề này. "Nhà đất nằm trong quy hoạch treo, muốn vay vốn làm ăn thì bị hạn chế không như đất bình thường, muốn sửa nhà thì không được sửa... Theo tôi, quy hoạch chỉ cho treo 2 năm, nếu sau 2 năm không triển khai thì phải bỏ quy hoạch", BĐ H.A đề nghị.

BĐ Benz ý kiến: "Quy hoạch thì bắt buộc phải treo vì thời hạn xem xét dự báo để lập ra quy hoạch rất dài (tầm nhìn). Còn quy hoạch xây dựng theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy hoạch buộc ngắn hạn (1 - 3 năm), treo với thời ngắn theo kế hoạch hằng năm. Trong thời gian treo chờ cơ hội, chờ nhà đầu tư thì bắt buộc phải cho người dân sử dụng khai thác, cải tạo tăng năng suất, tăng hiệu quả khai thác và tạo điều kiện cho khai thác (không chuyển đổi mục đích sang dạng khác). Nếu không cho thì buộc phải hỗ trợ, thậm chí bồi thường cho người dân".

BĐ Khai Hung viết: "Hoàn toàn ủng hộ đề xuất tổ chức, cá nhân lập quy hoạch treo, gây lãng phí đất phải bồi thường. Ngoài ra cần mở rộng thêm cho toàn bộ các lĩnh vực, vấn đề xã hội mà cá nhân, tổ chức nhân danh nhà nước làm sai gây thiệt hại cho nhân dân thì phải bồi thường". 

Làm được thì nên quy hoạch, còn làm không được thì để yên cho dân làm ăn... 

  Ngân Nguyen

Tôi đề nghị Quốc hội phải có luật về cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu quy hoạch treo và nếu kinh tế trì trệ thì phải chịu trách nhiệm thật nặng.

Bluesea

Nếu cá nhân phê duyệt quy hoạch treo, gây lãng phí đất phải bồi thường thì chắc chắn kể từ đây, từ "quy hoạch treo" được loại ra khỏi đời sống xã hội.

Thanh Nguyen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.