TNO

Không quân Việt Nam nhờ Nga hỗ trợ nâng cấp 40 máy bay An-2

29/10/2016 12:10 GMT+7

(Tin Nóng) Đại diện Không quân Việt Nam mới đây đề nghị phía Nga giúp hỗ trợ nâng cấp khoảng 40 máy bay cánh quạt An-2 có từ thời Liên Xô, theo báo Nga Izvestia ngày 28.10.

(Tin Nóng) Đại diện Không quân Việt Nam mới đây đề nghị phía Nga giúp hỗ trợ nâng cấp đội 40 máy bay cánh quạt An-2 có từ thời Liên Xô, theo báo Nga Izvestia ngày 28.10.

Máy bay An-2 cải tiến thành loại chiến đấu của Không quân Việt Nam, tại Bảo tàng không quân ở Hà Nội - Ảnh: aeroprints.com chụp năm 2012

Theo báo này, mới đây các đại diện Việt Nam khi sang dự lễ kỷ niệm lần thứ 75 ngày thành lập Viện Nghiên cứu khoa học Hàng không Siberia (SibNIA) đã đưa ra đề nghị về việc Viện giúp hiện đại hóa các máy bay cánh quạt An-2 do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trước đây.

Số lượng máy bay An-2 hiện phục vụ trong Không quân Việt Nam được cho khoảng 40 chiếc, theo Izvestia.

"Chúng tôi đang xem xét khả năng nâng cấp một phần các máy bay này theo công suất của Nga song song với việc đào tạo nhân sự kỹ thuật cho phía khách hàng, sau đó cung cấp bộ phụ tùng tổng thành sang Việt Nam", Izvestia dẫn lời ông Igor Shubin, Giám đốc Tài chính của SibNIA.

Theo ông Igor Shubin, dự kiến nếu việc đàm phán thành công, các máy bay An-2 của Việt Nam sẽ có lớp vỏ nhôm nhẹ hơn, động cơ piston sẽ thay bằng loại phản lực cánh quạt (turbopro) mạnh và nhỏ gọn hơn, và An-2 sẽ có thể bay xa đến 3.000 km chỉ với một bình nhiên liệu, tức tầm bay xa gấp hơn hai lần so với phiên bản cũ. Máy bay sẽ có thể đạt vận tốc nhanh hơn và khả năng cất cánh từ đường băng ngắn hơn, đảm bảo tính năng chắc chắn và giá thành rẻ hơn khi vận hành, kéo dài tuổi thọ, theo Izvestia.

Máy bay cũng sẽ nâng cấp hệ thống điều khiển và điện tử, biến máy bay có từ thời chiến tranh Việt Nam thành loại hiện đại.

Xưởng sửa chữa nâng cấp máy bay An-2 của SibNIA ở Novosibirsk, Nga - Ảnh: RIA

Loại máy bay cánh quạt có cánh 2 tầng An-2 do hãng Antonov (nay thuộc Ukraine) chế tạo từ cuối những năm 1940 ở Liên Xô, khi được viện trợ cho miền Bắc Việt Nam những năm 1950 - 1960 được mệnh danh là "ngựa thồ" vì chở khoẻ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam, những chiếc An-2 không chỉ dùng vận chuyển hàng hoá, bộ đội mà một số còn được cải tiến thành máy bay tấn công. Các chiếc An-2 này gắn thêm 2 - 4 dàn phóng rocket để tấn công mặt đất, khiến Không quân Mỹ phải thường xuyên bố trí tiêm kích bay đêm F-106 để đối phó.

Thậm chí An-2 còn được quân đội nhân dân Việt Nam dùng để săn trực thăng.

Chuyên gia quân sự độc lập Anton Lavrov nói với báo Izvestia rằng việc Việt Nam nâng cấp máy bay An-2 là hợp lý, vì máy bay này kết hợp các đặc tính tốt về sự cơ động, vận tốc và cất hạ cánh, thậm chí có thể hoạt động ở vùng rừng núi và các nơi có đường băng tạm thời.

Ông Anton Lavrov còn cho hay hiện nay thế giới có khuynh hướng cải tạo máy bay dân sự thành máy bay chiến đấu hạng nhẹ. "Loại máy bay dùng động cơ cánh quạt thích hợp với các cuộc xung đột quy mô thấp hơn là máy bay phản lực hiện đại, và chi phí hoạt động thấp hơn. Chẳng hạn loại máy bay phục vụ nông nghiệp AT-802 của Mỹ còn được sử dụng trong không quân UAE, Yemen và Colombia".

Còn chuyên gia Anton Tsvetov của Trung tâm nghiên cứu chiến lược (Moscow) nhận định việc này cho thấy Nga vẫn là đối tác quan trọng của Việt Nam về hợp tác quân sự - công nghệ. Theo ông, vũ khí và thiết bị quân sự mới của Nga rất hữu ích với Việt Nam, nhưng việc hiện đại hoá các vũ khí đã cung cấp trước đây cũng quan trọng không kém. "Hầu hết công nghệ vũ khí của Việt Nam thời Liên Xô đều có thể nâng cấp lên chuẩn hiện đại", theo ông Anton.

"Việt Nam cũng quan tâm việc chuyển giao công nghệ để tự sản xuất các khí tài, và phía Nga thường cung cấp các lựa chọn hấp dẫn. Chẳng hạn các xưởng đóng tàu của Việt Nam đã đóng các tàu tên lửa lớp Molniya theo giấy phép của Nga", ông Anton Tsvetov nói với Izvestia.

Vài số liệu về máy bay An-2

Máy bay An-2 trong một lần bay biểu diễn ở Liên Xô năm 1990 - Ảnh: aerofoto.narod.ru

Hãng sản xuất: Antonov, từ năm 1947

Dài: 12,4 m

Sải cánh: trên: 18,2 m; dưới: 14.2 m

Phi hành đoàn: 1-2 người

Khả năng chuyên chở: 12 người, hoặc 2 tấn hàng

Vận tốc tối đa: 258 km/giờ, trần bay: 4,5 km

Tầm bay: 845 km

Đường băng cất cánh: 170 m, hạ cánh: 215 m

Động cơ: 1, loại động cơ piston

Từ năm 1980 có thêm phiên bản dùng động cơ cánh quạt phản lực (turbopro)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.