Không phải là chuyện nhỏ

21/09/2020 04:50 GMT+7

Không phải lần đầu chiêu trò phá hoại ruột xe của mấy tay sửa xe lề đường bất lương bị phanh phui trên mặt báo, nhưng rồi sẽ có những giải thích kiểu như “chuyện nhỏ”, “không ai tố cáo”, “khó xử lý”…

Vậy nên mấy tay sửa xe bất lương này dù bị báo chí hay người dân phanh phui chiêu trò thì sau đó chỉ cần chuyển địa bàn và tiếp tục giở trò. Chuyện nhiều người dân biết thì chắc chắn lực lượng chức năng cũng chẳng thể không biết. Nhưng chắc với cái lối nghĩ “chuyện nhỏ, khó xử lý” thì chẳng bao giờ có quyết tâm lên kế hoạch xóa sổ những chiêu trò bất lương này.
Rồi cứ theo mạch đó mà nghĩ xem, thì hàng loạt những chuyện cũng có thể xem là “chuyện nhỏ, khó xử lý” tương tự sẽ dễ dàng bị bỏ qua. Đâu chỉ có vá xe chặt chém, mà đầy rẫy những chuyện lặp đi lặp lại như rải đinh để vá xe, “chăn dắt” trẻ ăn xin, xe taxi dù xài công tơ mét dỏm, bán dừa rong chặt chém du khách...

Vá xe kiểu “cướp cạn” giữa Sài Gòn - Kỳ 1: Phá hoại và vẽ bệnh

Vá xe mà tìm cách phá hoại ruột xe của người ta rồi đẩy khách vào cảnh phải mua ruột xe mới với giá đắt hơn cả trăm ngàn thì gọi là gì? Là gian lận mua bán, hay là lừa đảo, hay là cướp cạn? Cùng “đồng môn” là chuyện nói hoài chưa dứt trên các tuyến cửa ngõ thành phố nạn rải đinh, vật nhọn để phá lốp xe hòng hành nghề vá ruột... Có gọi là gì đi nữa thì cũng chẳng thể xem đó là “chuyện nhỏ, khó xử lý” rồi bỏ qua.
Dọa dẫm, đánh đập, đẩy trẻ em ra đường ăn xin rồi cướp lấy số tiền xin được từ lòng trắc ẩn của cộng đồng mỗi ngày sao lại là “chuyện nhỏ, khó xử lý” mà chính quyền bỏ qua dễ dàng? Mạo danh một hãng taxi có thương hiệu, gắn công tơ mét đểu rồi tính tiền khách kiểu ăn cướp sao lại là “chuyện nhỏ, khó xử lý” nên nhà chức trách làm ngơ bỏ qua? Cho dù, để phát hiện và xử lý nghiêm những trò bất lương ấy thì chẳng khó gì.
Cứ nghĩ là chuyện nhỏ, cứ bỏ qua dễ dàng như thế thì sẽ tạo ra một mảnh đất màu mỡ để sinh sôi nảy nở những trò bất lương trong xã hội, tạo ra một khoảng trống mênh mông cho những kẻ táng tận lương tâm khai thác và phá hoại dần dần những giá trị quan trọng của xã hội.
Nhiều người nghèo đô thị sống bằng những sinh kế lương thiện bên lề đường có còn nhận được sự thông cảm và giúp đỡ từ người dân hay không? Hay sẽ là sự nghi ngờ, thậm chí là tẩy chay vì mất lòng tin do bị những kẻ bất lương bày trò lừa đảo.
Người đi đường lỡ rơi vào tình huống xe hư có còn dám nhận sự giúp đỡ từ những người làm ăn lương thiện bên lề đường không khi mà nỗi lo dính bẫy của kẻ bất lương ám ảnh họ?
Xã hội mà thực hành lòng tốt giúp đỡ người qua đường gặp cảnh khó khăn thì bị nghi ngờ, cảm thông chia sẻ với người nghèo sống lương thiện thì có nguy cơ bị lừa đến xót xa thì cái viễn cảnh của một xã hội băng giá tình người có xa lắm không? Hay chỉ là nay mai sẽ kéo đến mà chúng ta chẳng thể nào tránh khỏi.
Chúng ta thật ra sẽ mất nhiều lắm, mất rất nhiều giá trị xã hội chỉ vì dễ dàng bỏ qua những chiêu trò bất lương rõ ràng đến thế.

Vá xe kiểu “cướp cạn” giữa Sài Gòn - Kỳ 2: Lật tẩy chiêu trò bất lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.