Không nên giảm biên chế bằng biện pháp hành chính

Nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng việc sử dụng nguồn lực hiệu quả để tăng năng suất lao động chính là giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Cần giải pháp riêng cho các cấp học
Theo các chuyên gia, dù một trong những mục tiêu mà Nghị quyết T.Ư 19 đặt ra là đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (so với năm 2015) nhưng với các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục thì không thể cắt giảm một cách máy móc. Cần phải bóc tách giáo dục ĐH với giáo dục phổ thông và mầm non để có giải pháp cụ thể phù hợp cho từng lĩnh vực.
“Một điều chắc chắn là với giáo dục phổ cập thì nhà nước phải lo. Nghĩa là không thể đặt vấn đề giảm biên chế hay giảm ngân sách, mà phải đặt vấn đề làm sao để chi ngân sách hiệu quả, công bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Lê Hoàng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc hội, chia sẻ.

tin liên quan

Tréo ngoe biên chế giáo dục
Việc giao chỉ tiêu biên chế 'một cục' từ trên xuống, không chủ động trong việc tuyển dụng đội ngũ đang khiến nhiều trường gặp khó trong hoạt động. Tăng tự chủ nhân sự được coi là lời giải bài toán về quản lý biên chế ngành giáo dục.  
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công, cũng cho rằng chủ trương tìm câu trả lời cho bài toán giải quyết hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Nghị quyết 19 là tốt, nhưng giải pháp thì chưa rõ với khối giáo dục đào tạo. “Trong giáo dục phải chia ra 3 khu vực với 3 triết lý riêng: ĐH, phổ thông, mầm non. Vì vậy không thể có một công thức tiếp cận cho cả hệ thống được”, ông Đồng nhận xét.
Cũng theo ông Đồng, một khi coi giáo dục phổ thông là dịch vụ công thiết yếu, thì nên giao tự chủ cho trường, để nhà trường tự tính toán phương án nhân sự của mình. Trường muốn giữ giáo viên giỏi thì phải trả tiền lương xứng đáng với năng lực, hiệu quả lao động. Tự khắc phần biên chế, nhân sự sẽ thay đổi. Đó là cách thay đổi từ dưới lên chứ không phải bằng một biện pháp hành chính từ trên xuống, yêu cầu phải cắt giảm bao nhiêu.
Bình đẳng công, tư
“Với khối giáo dục phổ thông cũng phải tạo áp lực để trường công phải cạnh tranh công bằng với trường tư. Muốn thế thì cách tốt nhất là thay đổi cách phân bổ nguồn lực. Thay vì đầu tư tiền cho trường thì đầu tư cho học sinh, tài trợ theo đầu học sinh. Sự cạnh tranh buộc đơn vị phải thay đổi cách nghĩ, cách làm thì tất yếu sẽ thay đổi cách sử dụng con người, chính là vấn đề biên chế”, ông Nguyễn Quang Đồng nêu ý kiến.

tin liên quan

Đãi ngộ công bằng sẽ xóa áp lực biên chế giáo dục
Lương thấp so với các ngành nghề khác trình độ tương đương nên giáo viên có xu hướng bỏ việc khi tìm được công việc với mức lương và phúc lợi cao hơn. Để giữ chân giáo viên, điều quan trọng không chỉ biên chế mà chính là chế độ đãi ngộ công bằng, đặc biệt cho những người giỏi.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng Nghị quyết 19 cũng đã đưa ra giải pháp thúc đẩy xã hội hóa như một kênh gián tiếp nhằm giảm biên chế, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Mà muốn thúc đẩy xã hội hóa thì cần tạo sự bình đẳng công - tư trong phân bổ đầu tư ngân sách nhà nước, kể cả ở khối ĐH.
GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, nhận định: “Nguyên tắc, cơ chế cấp kinh phí và các hỗ trợ khác của nhà nước đối với người học trong các cơ sở giáo dục ĐH phải đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử với người học ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Với những ngành đặc thù đang cần khuyến khích thì nhà nước có thể sử dụng hình thức hợp đồng đào tạo với người học, trong đó quy định rõ về quyền lợi và trách nhiệm của hai bên”.
Tự chủ chính là chìa khóa vàng
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2008 có khoảng 2.200 cán bộ công chức, viên chức. Trong 10 năm qua trường liên tục giảm biên chế, kết quả giảm được khoảng 200 người, đa số là cán bộ hành chính. Nhưng điều này không phản ánh đúng mong muốn của trường về hiệu quả hoạt động bởi với khu vực cán bộ chuyên môn, trường muốn tuyển thêm nhưng không tuyển được do nguồn nhân lực (tối thiểu phải đạt trình độ tiến sĩ) khan hiếm.
Từ tháng 10.2017 trường thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ, nhà nước không phải cấp ngân sách chi thường xuyên, trong đó bao gồm khoản lương cho khoảng 1.950 người. Một cán bộ Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT bình luận: “Với quyết định cho phép Trường Bách khoa Hà Nội thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, ngay tức khắc hệ thống đơn vị sự nghiệp của Bộ giảm biên chế được gần 2.000 công chức, viên chức. Như vậy, với lĩnh vực giáo dục đào tạo, để đạt được mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thì đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn là chìa khóa, và đây cũng là một giải pháp mà Nghị quyết 19 đề cập”.
Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nói: “Khi đã bước sang cơ chế tự chủ thì các trường đều phải tìm cách làm sao để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, nguồn tài chính thì mới cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Việc có nghị quyết rõ ràng giúp các trường thuận lợi hơn”. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, không riêng ĐH mà ngay cả với giáo dục phổ thông, khi đã thay đổi cách phân bổ nguồn lực và giao quyền tự chủ cho các trường thì các trường phải được tính đúng, tính đủ học phí. Khi đó, nhà trường sẽ buộc phải tính toán phương án nhân sự của mình.
Trong khi đó, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhìn nhận vấn đề tự chủ ở giáo dục phổ thông nhưng không theo cách tiếp cận về tài chính. Ông Tiến đề nghị dựa trên văn hóa chất lượng: Các trường vẫn được nhà nước bảo đảm các khoản chi cần thiết nhưng chỉ giao quyền tự chủ khi đảm bảo 3 điều kiện: công nhận chất lượng, hội đồng trường đủ mạnh và trách nhiệm giải trình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.