Không một ai bị lãng quên

22/10/2021 09:54 GMT+7

Ngày 23.10 này là tròn 60 năm “ Đường Hồ Chí Minh trên biển ” (23.10.1961 - 23.10.2021). Việc hình thành một con đường ngay trên Biển Đông để đưa vũ khí vào miền Nam lúc bấy giờ là một sáng tạo đầy bất ngờ.

Cả bộ máy chiến tranh đồ sộ của Mỹ thường tự hào “thứ gì họ cũng biết” đã không thể ngờ những “con tàu cá” nhỏ bé vẫn đêm đêm lặng lẽ vượt trùng dương để chở vũ khí vào Nam.

Những người lính từng đi trên những con tàu thầm lặng ấy, giờ người còn người mất, có người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương để non sông được liền một dải. Trong số đó, có người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhưng cũng có người bị thời gian và các loại thủ tục giấy tờ làm khuất lấp công trạng của họ. Ông Trần Ngọc Tuấn, chính trị viên từng đi trên những chuyến tàu ấy, là một ví dụ.

Ông Trần Ngọc Tuấn (hàng đứng, thứ tư từ trái qua) cùng đồng đội trên tàu không số 43

NVCC

Hôm 21.10, sau khi bài Người ở tàu không số, viết về ông Trần Ngọc Tuấn xuất hiện trên Báo Thanh Niên, chỉ trong một buổi sáng, hàng chục cuộc gọi đến Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Nha Trang và tác giả bài báo để hỏi thăm địa chỉ của bác Tuấn rồi ghé thăm và “gửi chút quà”. Trong những cuộc điện thoại ấy, không chỉ là những người từng đi qua cuộc chiến tranh như ông Tuấn mà có cả những người trẻ tuổi. Là tác giả bài báo ấy, tôi thật sự cảm kích trước tấm lòng của mọi người đối với cụ ông đã bước sang tuổi 90 này.

Thủ tục để phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang như thế nào, bị “trục trặc” ra làm sao thì chỉ có những người trong cuộc mới tường minh. Duy có điều này thì không ai có thể nghi ngờ: Thiếu úy Trần Ngọc Tuấn, chính trị viên của nhiều chuyến tàu không số, đưa vũ khí vào Nam từ năm 1962 đến chuyến cuối cùng là năm 1968, khi chiếc tàu mang mật danh 43 bị hải quân Mỹ phát hiện tại vùng biển Quảng Ngãi nên ông Tuấn cùng đồng đội buộc phải phá hủy con tàu để xóa dấu vết rồi bơi vào bờ. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là người đã chữa vết thương cho những chiến sĩ này khi họ được đưa lên Trạm xá Đức Phổ bấy giờ. Cuộc điều trị ngắn ngủi ấy của 13 chiến sĩ cùng ông Tuấn đã “có mặt” trong cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm xôn xao một thời.

Rất nhiều người đã gọi điện hoặc ghé thăm ông Tuấn trong những ngày qua. Thì ra, các thủ tục rối rắm có thể che khuất công trạng nhưng ông Tuấn không bao giờ bị người đời quên lãng mỗi khi nhắc đến những chiến công. Không ai mong ra trận để được anh hùng nhưng cũng xin đừng quên những gì mà người lính đã đóng góp cho Tổ quốc những chiến công đặc biệt như ông Tuấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.