Không khí lạnh tràn về, Hà Nội vẫn đứng top đầu thế giới về ô nhiễm

07/03/2024 16:01 GMT+7

Mặc dù hôm nay 7.3 có không khí lạnh tràn về nhưng thủ đô Hà Nội vẫn chìm trong ô nhiễm không khí và xếp thứ 3 thế giới.

Hà Nội liên tiếp đứng đầu về ô nhiễm không khí

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam - PV), lúc 15 giờ hôm nay 7.3, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 150 đơn vị, mức có hại cho sức khỏe, cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết.

Không khí lạnh tràn về, Hà Nội vẫn đứng top đầu thế giới về ô nhiễm- Ảnh 1.

Những ngày gần đây, Hà Nội luôn chìm trong ô nhiễm không khí

ĐÌNH HUY

Nơi có chất lượng không khí kém nhất là khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam (H.Gia Lâm, Hà Nội), với chỉ số AQI 168 đơn vị.

Cùng thời điểm này, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV) xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ 3 thế giới với chỉ số AQI trung bình 166 đơn vị.

IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 16,8 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), miền Bắc và Hà Nội đang trong mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 - tháng 3 hằng năm.

"Các nguồn khí thải do xe cộ, nhà máy, các cơ sở sản xuất tại thủ đô vẫn không giảm và chưa có biện pháp hạn chế, kiểm soát nên ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng", ông Tùng nói, và cho hay, ô nhiễm không khí ở Hà Nội giảm khi có mưa, bão, gió mạnh. Ngoài ra, nếu gió mùa đông bắc tràn về cũng sẽ thổi bụi đi.

Mặc dù vậy, hôm nay ở thủ đô có gió đông bắc cấp 2 - cấp 3 nhưng vẫn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Tùng khuyến cáo người dân cần có biện pháp tự bảo vệ mình như hạn chế đi ra ngoài, nhất là người già, trẻ em và những người mắc các bệnh về hô hấp; thường xuyên theo dõi về chất lượng không khí; đóng kín cửa nhà, dùng hệ thống lọc bụi... để bảo vệ sức khỏe.

Trước đó, trong 3 ngày, từ 4 - 6.3, Hà Nội đứng đầu thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí với chỉ số AQI trên 200 đơn vị, mức rất xấu.

Nhiều giải pháp hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí

Theo Sở TN-MT Hà Nội, thủ đô đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí của thành phố.

Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí của Hà Nội.

Trước thực trạng đó, thủ đô đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình như đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn 4.000 tấn/ngày, Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.

Triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm.

Trên cơ sở đó, tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và điều kiện, năng lực của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.