Không học sư phạm có được đi dạy?

Hà Ánh
Hà Ánh
19/01/2019 12:27 GMT+7

Sáng nay 19.1, gần 3.000 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã tham dự chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận tổ chức.

Chương trình được phát trực tiếp tại thanhnien.vn, qua fanpage Facebook và kênh YouTube của Báo Thanh Niên. Đặc biệt, lần đầu tiên chương trình sử dụng flycam để quay truyền hình trực tuyến.


Tốt nghiệp sư phạm mới được dạy phổ thông

Giải đáp băn khoăn của một học sinh về cơ hội đi dạy khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh, tiến sĩ Tô Văn Phương (Trường ĐH Nha Trang) cho biết ngành ngôn ngữ Anh của trường này có chuyên ngành phương pháp giảng dạy. Tốt nghiệp chuyên ngành này, kết hợp với chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sinh viên có thể giảng dạy.

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Nhật, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kinh tế - tài chính - ngân hàng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngành ngôn ngữ Anh của trường đào tạo chuyên về tiếng Anh thương mại. Tốt nghiệp sinh viên có thể làm ở nhiều lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước, có cơ hội trở thành giảng viên giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành kinh tế. Tuy nhiên để tham gia giảng dạy bậc ĐH, sau khi tốt nghiệp ĐH, sinh viên cần tiếp tục học cao hơn lấy bằng thạc sĩ.

Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ lưu ý thêm, theo quy định hiện hành nếu muốn giảng dạy ở bậc phổ thông cần phải tốt nghiệp các ngành hệ sư phạm. Các bậc học cao hơn từ TC lên ĐH thì có những tiêu chuẩn khác nhau nhưng tối thiểu phải tốt nghiệp trình độ ĐH trở lên kèm theo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và các tiêu chuẩn khác theo quy định.

Học CĐ là sự đầu tư siêu lợi nhuận

Giải đáp câu hỏi của học sinh về cơ hội khi theo học bậc CĐ, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói hiện nay lao động nghề khối kỹ thuật công nghệ đang rất khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp đến trường đặt hàng tuyển dụng nhưng không có nguồn để cung cấp.

“Trung bình học CĐ chỉ kéo dài từ 2-3 năm với tổng học phí toàn khóa chưa tới 30 triệu đồng. Ngay khi tốt nghiệp sinh viên dễ dàng tìm được việc làm với thu nhập khởi điểm 7-8 triệu đồng/tháng, nên đầu tư cho bậc học CĐ là một sự đầu tư siêu lợi nhuận”, ông Nhân cho hay.

Trong khi đó, HS Minh Thư (Trường THPT Chu Văn An, Ninh Thuận) đặt câu hỏi về cơ hội việc làm với ngành công tác thanh thiếu niên. Thạc sĩ Vũ Kim Xuyến, Trưởng khoa Công tác thanh thiếu nhi Học viện Thanh thiếu niên VN, chia sẻ tốt nghiệp ngành công tác thanh thiếu niên có thể làm công tác cán bộ hội đoàn, tổng phụ trách đội, giảng viên phụ trách các môn liên quan, công tác quản lý nhà nước về thanh niên hoặc tham gia trong lĩnh vực truyền thông, du lịch…

Còn HS Lê Khắc Nhật (Trường THPT Bác Ái, Ninh Thuận) nói: “Em thích ngành luật đã 4 năm rồi, nhất là ngành luật hình sự, cơ hội trúng tuyển ngành này ra sao?”. Thạc sĩ Từ Thanh Thảo, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay cả nước hiện có gần 50 cơ sở đào tạo luật. Nếu thích ngành luật hình sự, HS có thể đăng ký xét tuyển vào ngành luật học của Trường ĐH Luật TP.HCM. Sau khi trúng tuyển, sinh viên sẽ được phân bổ vào các khoa tương ứng với từng chuyên ngành luật. Riêng với luật hình sự, điểm trúng tuyển các năm thường cao hơn các chuyên ngành khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.