Không hãng hàng không nào 'đói', nếu cạnh tranh lành mạnh

Mai Hà
Mai Hà
12/12/2019 06:25 GMT+7

Tại tọa đàm “Hàng không Việt Nam: cơ hội và thách thức” do Bộ Giao thông vận tải tổ chức sáng 11.12, mối lo lớn nhất được các hãng hàng không nêu ra vẫn là nút thắt hạ tầng, nhân lực.

Chặng bay dài thêm vì hạ tầng quá tải

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, cứ mỗi tháng chặng bay Hà Nội - TP.HCM lại dài thêm 5 phút vì hạ tầng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí. “Với mức phát triển khoảng 20%/năm thì các nguồn lực bổ sung để đáp ứng là không đơn giản. Cụ thể, để đào tạo người lái cũng phải mất 5 - 6 năm/người, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Các hãng hàng không sẽ phải thuê phi công ngoại, làm gia tăng chi phí”, ông Thành cho hay. Thêm vào đó, các hãng hàng không nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam khai thác cũng tạo sức cạnh tranh lớn. “Những thông tin tranh giành phi công diễn ra cả năm vừa rồi. Việc một hãng lấy phi công của hãng khác không tạo ra cái gì mới trong xã hội mà chỉ làm đổ vỡ những kế hoạch có trước”, ông Thành nói.
Còn theo ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, tần suất bay tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện mới chỉ 44 chuyến/giờ. “Vietjet nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Nhưng giờ “miếng bánh” bé thế sẽ chia như thế nào? Ở đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không. Hãng hàng không vẫn đùa là những người làm cha làm mẹ phải đẻ ra miếng bánh to hơn mới có thể chia cho các con”, ông Phương ví von.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho hay năm 2019 năng lực tiếp nhận slot (chuyến) tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ tăng 2 - 3%, tăng trưởng của Tân Sơn Nhất chỉ khoảng 5%. “Không phải các hãng không có nhu cầu bay vào, mà là vì vấn đề an toàn và không thể bố trí được slot. Tân Sơn Nhất không thể chịu tải hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác”, ông Thanh cho hay.

Tiềm năng còn rất lớn

Vì sao thường xuyên bị "kêu" thị trường hàng không đang tăng trưởng nóng, nhưng cơ quan quản lý tiếp tục xem xét cấp phép cho các hãng bay mới ra đời? Trước câu hỏi này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, "buồn nhất là không ai muốn thành lập hãng mới", việc ra đời hãng hàng không mới là rất tốt, cho thấy thị trường Việt Nam có điều kiện phát triển.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nêu ví dụ như Mỹ, dân số trên 300 triệu, thị trường hàng không khoảng hơn 800 triệu hành khách. Việt Nam có dân số 87 triệu, nhưng thị trường hàng không mới có 78 triệu khách/năm, tiềm năng còn rất lớn. Dự báo đến 2025, thị trường hàng không của Việt Nam sẽ đạt khoảng 150 - 180 triệu hành khách. “Chỉ xét về hãng hàng không vận tải hành khách và hàng hóa, không tính hàng không chung, Thái Lan hiện nay có 16 hãng, Singapore có 1 TP, 1 điểm mà có 6 hãng; Malaysia 10 hãng; Indonesia 20 hãng; Philippines 12 hãng. Trong khi Việt Nam mới có 5 hãng, số lượng là rất khiêm tốn”, ông Thắng nói và cho rằng tính cả 3 doanh nghiệp đang đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines thì số lượng hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa bằng các nước xung quanh.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh, có hãng hàng không mới nhưng phải “đảm bảo miếng bánh thị trường cho tất cả hãng đầy đủ. Miếng bánh thiếu, cạnh tranh sẽ không lành mạnh ngay. Tôi đảm bảo không hãng hàng không nào đói nếu làm ăn lành mạnh”. Những nút thắt về hạ tầng như quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, thiếu nguồn nhân lực theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, đang được giải quyết dần với các đề án xây dựng nhà ga T3, sân bay Long Thành hay việc thành lập các học viện hàng không của các hãng.
Hãng nào sẽ bay thẳng đến Mỹ trước ?
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, để bay thẳng tới Mỹ có 6 vấn đề mấu chốt, gồm pháp lý và năng lực quản lý hàng không (đã được phía Mỹ chứng nhận đạt tiêu chuẩn CAT1) và an ninh hàng không. 3 vấn đề còn lại phụ thuộc vào chính năng lực của các hãng là năng lực khai thác, thị trường và khả năng cạnh tranh. Nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ, các hãng phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương (tối thiểu ETOPS 180 phút). Hiện mới có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này, những hãng khác như Bamboo nếu muốn đạt tiêu chuẩn ETOPs 180 phút thì phải tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kinh nghiệm quản lý 18 tháng nữa mới có thể bay được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.