Không giới thiệu vào Quốc hội, HĐND người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực

03/02/2016 07:00 GMT+7

Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Đây là một trong những quy định liên quan cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 và đại biểu HĐND (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử diễn ra hôm qua (2.2) tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong năm 2016, Tổng bí thư đề nghị, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và thực hiện tốt nhất phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu cử, để cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt kết quả tốt nhất và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Lưu Quang Phổ
Trình bày Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4.1.2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, công tác nhân sự phải bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ ĐBQH và đại biểu HĐND.
Về điều kiện, tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31.1.2016 của Ban Tổ chức T.Ư quy định kiên quyết không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết...
Riêng đối với tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách ở các cơ quan của QH và Ủy ban Thường vụ QH, nếu công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ở T.Ư thì phải giữ chức cục trưởng, vụ trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ quân đội, công an thì phải giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ đại tá trở lên.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 2.2, UBND TP.HCM đã ký quyết định thành lập Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021, gồm 21 thành viên, do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm làm chủ tịch.
Tân Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.