Không giật cục, đóng cửa khi siết chứng khoán, bất động sản

09/06/2022 05:45 GMT+7

Trong phiên chất vấn hôm qua 8.6 tại Quốc hội (QH), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng lần đầu tiên đăng đàn nhận được nhiều câu hỏi của ĐBQH liên quan quản lý tín dụng đối với thị trường bất động sản (BĐS) đang rất nóng.

Các đại biểu (ĐB) cho rằng việc siết tín dụng sau những sai phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể làm ngưng trệ, đóng băng thị trường, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và nền kinh tế. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường BĐS gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác, tín dụng cũng là một kênh. “Cho vay BĐS vốn lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, NHNN luôn chỉ đạo các ngân hàng phải đảm bảo các chỉ số an toàn, việc cho vay tự thỏa thuận quyết định, nhưng phải kiểm soát được rủi ro”, Thống đốc NHNN cho biết và thông tin với các tài sản đảm bảo bằng BĐS thì cũng chỉ đạo phải thường xuyên đánh giá lại để nhận diện rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Gia Hân

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý đối với thị trường chứng khoán và BĐS, các bộ trưởng đều nói không siết, nhưng thực tế mấy tháng nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất èo uột, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực huy động vốn để đảo nợ hoặc tiếp tục đầu tư mới rất khó khăn.

“Tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát thị trường, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Chính sách đối với tài chính kinh tế không thể giật cục được, nó phải nhất quán thông suốt, dự phòng nhiều nội dung khác nhau”, Chủ tịch QH lưu ý.

Chất vấn về tình hình thị trường vàng, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) lo ngại về diễn biến từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường này có rất nhiều bất ổn và bất hợp lý, chênh lệch quá cao giữa vàng trong nước và thế giới, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, giá vàng SJC cũng chênh lệch lớn so với vàng khác.

Còn nước nào cấp room tín dụng ?

Chất vấn Thống đốc NHNN, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết nhiều ngân hàng đang trong tình trạng hết room tín dụng và đề xuất với NHNN nước nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng. Việc cấp quota hằng năm dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới room. “Tôi không biết trên thế giới còn đất nước nào làm cách thức như chúng ta?”, ĐB An hỏi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc phân bổ cho ngân hàng đều có nguyên tắc chung, dựa trên nền tảng phân loại. Dư nợ tín dụng trên GDP của VN đang ở mức là 124%, gần như trong số cao nhất các nước ở trên thế giới. Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì phải kiểm soát. NHNN đã áp dụng từ năm 2011 và thấy đây là một biện pháp hiệu quả.

“NHNN cho biết đã thanh tra kiểm tra các yếu tố cấu thành giá chưa và liệu có sự bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC không. Và đến thời điểm nào thì NHNN đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 để xử lý căn cơ tình trạng này”, ĐB Thủy nêu.

Trả lời ĐB Thủy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với thị trường quốc tế vừa qua, giá vàng diễn biến phức tạp và khó lường. Giá vàng chịu tác động bởi USD, chiến tranh, thương mại… Sự khó lường thấy rõ khi có thời điểm tăng 2.000 USD/ounce, có lúc xuống 1.700 USD/ounce. Trong nước, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng nhanh hơn, tốc độ điều chỉnh xuống chậm hơn. Giá vàng nguyên liệu các thương hiệu khác SJC chênh lệch khoảng 2 triệu đồng so với giá thế giới. Riêng SJC tăng ở mức lớn, có thời điểm khoảng 16 - 17 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân, theo Thống đốc, xuất phát từ chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế tại Nghị định 24 của Chính phủ. Từ năm 2014 trở lại đây, NHNN không nhập vàng về sản xuất vàng miếng, nguồn cung trong nước giảm đi vì một phần được chuyển sang làm vàng trang sức. Thứ hai, biến động giá vàng vì các doanh nghiệp niêm yết giá lo ngại rủi ro, niêm yết giá cao.

Với SJC là vàng người dân ưa chuộng nên giá cao, giá mua vào - bán ra của tổ chức chênh 1 - 1,5 triệu đồng/lượng. “Qua tổng hợp số liệu tổ chức kinh doanh vàng, thực ra người dân không có nhu cầu mua vàng miếng, mà chủ yếu bán ra. Khi giá cao người dân mang đi bán, nên chúng tôi chưa nhập khẩu vàng can thiệp. Nếu cần thiết thì thực hiện, khi nhập phải dùng dự trữ ngoại hối”, Thống đốc cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.