“Không giáo dục cẩn thận, thì về sau Bác Hồ thành câu chuyện cổ tích”

Vũ Thơ
Vũ Thơ
29/12/2021 17:29 GMT+7

Tại Hội nghị lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, GS-TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: “Nếu không giáo dục cẩn thận, thì về sau Bác Hồ thành câu chuyện cổ tích”.

Ngày 29.12, T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, với sự tham dự và chủ trì của anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã hiến những kế hay cho tổ chức Đoàn để dẫn dắt thế hệ Z và Alpha (sinh từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu của thập niên 2010 và từ đầu thập niên 2010 đến giữa thập niên 2020) thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Anh Bùi Quang Huy chủ trì hội nghị

vũ thơ

Giáo dục lịch sử dân tộc

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, thế hệ Z và Anpha rất hiện đại, có thể tạo ra xu hướng trong cuộc cách mạng 4.0, vì vậy khi đánh giá về thanh niên không thể lấy tiêu chí của thế hệ mình áp đặt cho thế hệ mới, mà phải thấu hiểu, thấu cảm thanh niên.

Ông Hoàng Chí Bảo cho rằng, bên cạnh việc đánh giá tích cực về thế hệ trẻ thì cũng cần nhìn nhận đến nhược điểm. “Người sinh sau đẻ muộn, cách xa quá khứ, thì hiểu biết về lịch sử sẽ không đẩy đủ. Nếu để khoảng trống này thì sẽ rất khó giáo dục lý tưởng, chính trị cho thế hệ trẻ”, ông Bảo nhấn mạnh.

GS-TS Hoàng Chí Bảo nêu ý kiến tại hội nghị

vũ thơ

Vì vậy, ông Hoàng Chí Bảo lưu ý tổ chức Đoàn cần chú trọng giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lịch sử trong đó là về Đảng, về Bác Hồ cho thế hệ trẻ. “Về sau không giáo dục cẩn thận, thì Bác Hồ sẽ thành câu chuyện cổ tích”, ông Hoàng Chí Bảo nói.

Đặc biệt, ông Hoàng Chí Bảo cho rằng việc giáo dục lớp trẻ cần phải đổi mới, truyền cảm hứng, tránh hành chính hoá vì lớp trẻ trong sáng, hồn nhiên, nhạy cảm. Đồng thời, trước những tiêu cực, bất chính, của thế hệ “người lớn”, tổ chức Đoàn phải phê phán mạnh mẽ, không để xảy ra khủng hoảng về niềm tin và tiêu cực trở thành ám ảnh trong lớp trẻ.

Cần đặt niềm tin vào thanh niên

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho biết muốn khơi dậy tiềm năng của thế hệ trẻ cần phải đặt niềm tin vào họ.

PGS-TS thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cho rằng có nhiều ý kiến đánh gia thanh niên ngày nay là thực dụng, chạy theo cơ chế thị trường, nhưng ý kiến đó không chính xác. Ông Cương cho rằng nếu mất niềm tin vào thanh niên là tự đánh mất mình. “Người lớn là cái khuôn, nếu thanh niên làm gì chưa đúng thì trách nhiệm là do mình trước”, ông Cương khẳng định.

PGS-TS thiếu tướng Lê Văn Cương đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII của T.Ư Đoàn

vũ thơ

GS-TS Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng thanh niên cần có niềm tin tưởng tuyệt đối thì mới phát huy được tiềm năng. “Là người thầy từng dẫn dắt và đào tạo thế hệ trẻ, tôi thấy rằng thanh niên cần niềm tin của lãnh đạo, giao nhiệm vụ lớn, trách nhiệm lớn thì thanh niên sẽ làm được”, ông Đức nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy đã đưa ra những trăn trở của tổ chức Đoàn để các chuyên gia góp ý, hiến kế.

Anh Bùi Quang Huy cho biết, từ những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, yêu cầu của sự phát triển và những vấn đề của thế hệ trẻ hiện nay, tổ chức Đoàn cần phải có cách tiếp cận mới, đồng thời phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện nhiệm vụ chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy, tạo môi trường rèn luyện cho thế hệ trẻ trở thành những con người mới XHCN, vừa hồng vừa chuyên, nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực, tiềm năng trong xây dựng và bảo vê Tổ quốc, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Câu hỏi đặt ra là Đoàn cần làm gì để thanh niên có ý chí, khát vọng cống hiến, khát vọng vươn lên; chủ động tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng công dân số, công dân toàn cầu, sáng tạo và khởi nghiệp...; phát huy tính xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; chăm lo, đảm bảo mọi cơ hội tiếp cận và phát triển trong học tập, lao động, việc làm, đời sống văn hóa, tinh thần, chăm sóc sức khoẻ, chất lượng sống của các đối tượng thanh thiếu nhi trong cả nước, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người’, anh Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.