Không gian sống người Việt ở Nam kỳ

27/11/2022 07:30 GMT+7

Tản mạn kiến trúc Nam bộ - một cuốn sách vô cùng thú vị của nhóm tác giả trẻ Tản Mạn Kiến Trúc, giúp độc giả tự tay mở cánh cửa lịch sử và chạm khẽ vào không gian sinh hoạt truyền thống, tập quán, văn hóa và môi trường sống của người Nam kỳ xưa.

Nhan đề của cuốn sách Tản mạn kiến trúc Nam bộ (do Nhã Nam và NXB Thế giới vừa ấn hành) đã phần nào thể hiện được tinh thần, phạm vi và đối tượng nghiên cứu, góp phần tái dựng tiến trình lịch sử kiến trúc ở Nam kỳ nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thập niên 1980 và khảo sát sự biến đổi không gian sống của các chủ nhân người Việt, tập trung chủ yếu đến kiến trúc dân dụng (nhà ở và chức năng) và bỏ qua kiến trúc tôn giáo, hành chính và công cộng.

Palais de Justice (Pháp đình Sài Gòn) năm 1895 qua ống kính Firmin André Salles, nay là Tòa án Nhân dân TP.HCM

Thư viện Quốc gia Pháp

Nam kỳ, từ sau năm 1945 gọi là Nam bộ, là “vùng đất mới” trong bước chân Nam tiến của người Việt, một không gian sông nước với cuộc sống di cư, đời sống thương hồ đặc trưng. Theo thời gian, và thích nghi với điều kiện tự nhiên, không gian sống của người Việt tại Nam kỳ cũng dần thay đổi, từ nhà đạp mang tính chất lưu động đến nhà sàn, từ nửa nền đất nửa sàn đến nhà gỗ truyền thống song hành với quá trình khai khẩn định cư lâu dài.

Kiến trúc Pháp du nhập vào thuộc địa Nam kỳ cùng quân đoàn viễn chinh, lần lượt ở các công trình quân sự, y tế, công cộng, hành chính, tôn giáo… tiếp đó là sự vay mượn để áp dụng vào các công trình dân dụng, nhà ở. Những công trình ban đầu ở Nam kỳ có thể nhắc đến là Hôpital Militaire (Bệnh viện Quân sự, nay là Bệnh viện Nhi đồng 2) hay Caserne de l’Infanterie coloniale (Trại lính Bộ binh Thuộc địa, nay là khu đất bao gồm khuôn viên Trường đại học KHXH-NV TP.HCM và Khoa Dược (thuộc Ðại học Y Dược TP.HCM) với nhiều dãy nhà lớn xây dựng từ những dầm thép tiền chế và gạch trên nền đá granite được chuyển từ Pháp sang.

Các lam gió bao quanh Thư viện Tổng hợp gợi nhắc lại các hoa văn truyền thống VN theo một tinh thần hiện đại. Có thể quan sát được họa tiết chữ thọ, chữ vạn và hoa văn rồng cuộn trong mây

Tản Mạn Kiến Trúc

Ở Nam kỳ, những công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp phần lớn được xây dựng ở thập niên 1880, với Palais de Justice (Pháp đình Sài Gòn, nay là Tòa án Nhân dân TP.HCM), Hôtel des Douanes (Sở Thuế quan, nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), Palais du Gouvernement (Dinh Thống soái Nam kỳ, sau là Dinh Toàn quyền, nay là Dinh Thống Nhất), Cathédrale Saïgon (Nhà thờ Ðức Bà), Hôtel des Postes (Bưu điện trung tâm Sài Gòn), Hôtel de Ville (Dinh Xã Tây, sau là Tòa Ðô chánh Sài Gòn, nay là trụ sở UBND TP.HCM)… mang tính chất biểu trưng cho giá trị văn minh và uy quyền của chính quyền thuộc địa. Theo thống kê của nhóm tác giả Tản Mạn Kiến Trúc, thập niên 1910 - 1930 ở Nam kỳ là giai đoạn “bùng nổ về số lượng các công trình xây dựng mới theo ảnh hưởng Pháp bởi chủ nhân người Việt” với khuynh hướng “tân thời”.

Bìa cuốn sách Tản mạn kiến trúc Nam bộ

Quang Diệu

“Nhà” lưu giữ những ký ức

Ðồng hành cùng bước chân điền dã của nhóm Tản Mạn Kiến Trúc, độc giả bước vào cuộc hành trình khám phá lịch sử kiến trúc miền Nam, cụ thể là tiến trình kiến trúc dân dụng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thập niên 1980, và những tác động của sinh thái lên kiến trúc. Tiếp đó, qua những khảo tả và kiến thức cơ bản được trình bày trong sách, độc giả hiểu hơn về kiến trúc nhà gỗ truyền thống ở Nam kỳ với các thông tin về vật liệu, kết cấu (khung, mái, chiếu sáng, thông gió), phân bố và hướng nhà, trang trí nội thất và góc mái, không gian mặt bằng và cảnh quan hàng hiên, sân - vườn… Ðặc biệt là sự ảnh hưởng và vay mượn từ kiến trúc Pháp kể từ sau khi họ thực hiện cuộc viễn chinh và thiết lập chế độ thuộc địa Pháp ở Nam kỳ, cùng với đó là sự giao thoa văn hóa - kiến trúc Ðông - Tây.

Ðể làm được công việc dẫn đường tưởng chừng đơn giản này, trước hết nhóm tác giả Tản Mạn Kiến Trúc phải là những người nặng tình với kiến trúc, nặng lòng với di sản; có ý thức rõ ràng về việc chụp ảnh để làm tư liệu nghiên cứu, thực tế là một số công trình khi họ quay trở lại đã biến dạng, cơi nới, thậm chí không còn nữa; chịu khó đi điền dã, trò chuyện với chủ nhân của các công trình để ghi chép lại; lưu trú và quan sát; hòa mình vào không gian văn hóa để thấu hiểu và cảm nhận đời sống riêng của di sản…

Tản mạn kiến trúc Nam bộ cũng có thể coi là một lược sử về quá trình xây dựng những ngôi “nhà” truyền thống, tân thời, hay nằm giữa Ðông và Tây, của người Việt xưa tại vùng đất Nam kỳ trước và sau khi người Pháp đặt chân đến, và rời đi. Từ những tư liệu hình ảnh và diễn giải, độc giả có cơ hội tự tay mở cánh cửa lịch sử để chạm khẽ vào không gian sinh hoạt truyền thống, tập quán, văn hóa và môi trường sống của người Nam kỳ xưa trong tổng hệ cảnh quan - kiến trúc - văn hóa.

Trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa, không ít những công trình kiến trúc - cả hành chính, tôn giáo và dân dụng - đang dần dần bị cải tạo, không còn nguyên vẹn, chuyển đổi công năng, bỏ hoang hoặc biến mất. Ðiều này đồng nghĩa với một khoảng ký ức lịch sử bị chôn vùi, một phần bản sắc văn hóa và không gian văn hóa không còn nữa.

Vì vậy, Tản mạn kiến trúc Nam bộ không đơn giản là… tản mạn như các tác giả khiêm tốn mà trên hết là những suy nghĩ lớn và tình yêu mãnh liệt đối với văn hóa nói chung và di sản VN nói riêng. Với ý nghĩa đó, Tản mạn kiến trúc Nam bộ là cuốn sách thực sự tầm vóc và giá trị lan tỏa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.