Không gian mạng bị đe dọa bởi tin giả, Khá BảnH, ‘Thánh chửi’...

Mai Hà
Mai Hà
17/04/2019 13:31 GMT+7

Theo đại tá Đỗ Anh Tuấn, Cục phó Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Việt Nam đang phải chịu tác động của nhiều yếu tố đe doạ an ninh, an toàn của không gian mạng .

Chia sẻ tại hội thảo “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số” sáng 17.4 do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức, đại tá Đỗ Anh Tuấn cho biết, những thông tin xuyên tạc, xấu độc được lan truyền trên mạng một cách nhanh chóng đã gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
[VIDEO] Khá Bảnh là ai, tại sao anh ta nói toàn chuyện "đạo lý" mà vẫn bị bắt?
Năm 2018, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Gần đây, mạng xã hội nổi lên các nhân vật như Ngô Bá Khá (Khá BảnH), “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Trần Ngọc Phúc…
Theo đại tá Đỗ Anh Tuấn, đối tượng như Ngô Bá Khá có tiền án, tiền sự, nhân thân phức tạp nhưng khi đưa lên YouTube lại trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ. Có cháu nhỏ đi vài trăm ki lô mét chỉ để được gặp và chụp ảnh với Khá BảnH; có cháu bắt chước cả dáng đi, kiểu tóc; có người lại chỉ chờ đợi xem “anh” Khá nói gì để bình luận...
Và hiện tại, mặc dù kênh YouTube của Khá BảnH đã bị xóa, nhưng những hình ảnh, video, bài viết cổ vũ, khích lệ các đối tượng này vẫn tồn tại.
Dù bị bắt, mất kênh YouTube, nhưng Khá BảnH vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới một bộ phận giới trẻ hiện nay Ảnh màn hình
[VIDEO] Khá Bảnh mất bao nhiêu tiền khi kênh YouTube "khủng" biến mất?
Bên cạnh đó, không gian mạng của Việt Nam còn đang bị đe dọa bởi nạn tin giả, xuyên tạc để lôi kéo sự chú ý của người tham gia, gây bức xúc trong dư luận, như vụ việc tung tin "máy bay rơi tại sân bay Nội Bài năm 2017", "bắt chó thả rông ở TP.HCM để cho sư tử ăn"…
“Đây hoàn toàn là những thông tin giả, chỉ nhằm tăng lượt theo dõi nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân”, đại tá Đỗ Anh Tuấn nói.

Đường dây đa cấp trên mạng hút 15.000 tỉ đồng

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam có trên 30 nhà mạng quốc tế tổ chức đánh bạc, thiết lập trang web và đặt máy chủ ở nước ngoài, tổ chức trò chơi trực tuyến, sử dụng kỹ thuật tinh vi, tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng để đánh bạc.
Một nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội khác được cảnh báo đang diễn ra trên không gian mạng là hoạt động lôi kéo người tham gia kinh doanh đa cấp.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn cho biết, trước đây, hoạt động đa cấp theo cách cũ chỉ có đến ngàn người tham gia, nhưng gần đây đã phát hiện có đường dây đa cấp mới hoạt động trên mạng chưa đến 6 tháng nhưng số lượng người tham gia đã lên tới hàng chục ngàn người.
“Theo đơn tố cáo, số tiền họ đóng góp vào đường dây này là khoảng 15.000 tỉ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan khác để điều tra”, ông Tuấn nói.
Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng nêu tình trạng truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm, hướng dẫn chế tạo vũ khí, lừa đảo trúng thưởng hay thủ đoạn lừa đảo nghi vấn nạn nhân đang tham gia tổ chức tội phạm, muốn “thoát tội” phải nộp một khoản tiền cho các đối tượng này... đang tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn cho rằng, để ngăn chặn hành vi làm mất an toàn không gian mạng như trên, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; tăng cường hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng, còn cần phải thay đổi cách giáo dục giới trẻ để nhằm tăng cường nhận thức, đảm bảo đạo đức, thuần phong mỹ tục. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.