Không đường, không thủy lợi, ruộng đồng đành bỏ không

Trần Cường
Trần Cường
21/10/2020 09:38 GMT+7

Không có đường vào, hệ thống tưới tiêu cũng bị san phẳng, khiến hơn 250 hộ dân tại xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) phải bỏ hoang ruộng đất hơn 10 năm nay.

Muốn làm ruộng, phải trèo qua đường cao tốc

Xuất thân từ gia đình nhà nông, từ nhỏ đã quen với việc đồng áng, nhưng hơn 10 năm nay, ông Dương Văn Thư (65 tuổi, trú thôn Lương Câu, xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) và nhiều hộ dân khác chỉ biết đứng từ xa nhìn cỏ mọc um tùm trên những thửa ruộng của cánh đồng Lương Câu. Theo ông Thư, khoảng năm 2007, chính quyền đã có phương án xây dựng nhà máy gạch men trên diện tích đất nông nghiệp của xã Sơn Lôi. Do nằm trong quy hoạch nên toàn bộ hệ thống trạm bơm, mương tưới tiêu và đường giao thông nội đồng ở cánh đồng Lương Câu đều bị san lấp để phục vụ dự án.
Năm 2008, dự án nhà máy gạch đổ bể, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi đất để phục vụ xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Kể từ đó, nhiều héc ta đất nông nghiệp của người dân thôn Lương Câu bắt đầu bị bỏ hoang vì không có hệ thống tưới tiêu, đường đi lối lại cũng không còn.
“Ruộng nương còn đó, tôi vẫn muốn cày bừa, cấy hái, nhưng đường đi lối lại không có, trèo qua cao tốc thì quá nguy hiểm. Hơn nữa, có gieo cấy cũng không có nước mà tưới. Cả khu đồng mênh mông chỉ còn lác đác vài hộ vào trồng ngô, đào ao nuôi vịt. Nhìn đồng ruộng như một cánh rừng hoang mà xót”, ông Thư nói.

Ông Dương Văn Thư chia sẻ với phóng viên

Ảnh Trần Cường

Cũng theo ông Thư, việc đất bỏ hoang ảnh hưởng đến đời sống, khiến người dân vô cùng bức xúc, nên thời điểm ông giữ chức trưởng thôn, trong mỗi cuộc họp ông đều động viên bà con, tránh gây bức xúc trong cộng đồng. “Đoàn nọ, đoàn kia về địa phương kiểm tra rồi nhưng đến thời điểm hiện tại, ruộng đồng vẫn bỏ hoang. Chính quyền địa phương không có động thái gì. Bất lực lắm!”, ông Thư thở dài.

Khôi phục sản xuất là không thể

Một lãnh đạo UBND xã Sơn Lôi cho biết, thực trạng này đang là một vướng mắc khá lớn của địa phương. Hơn 8,3 ha đất ruộng của 253 hộ dân bị bỏ hoang hơn chục năm nay, không thể canh tác, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Cũng theo ông này, sau khi hệ thống tưới tiêu bị san lấp và bị đường cao tốc cô lập, chỉ còn khoảng 3 - 4 hộ đi bộ dọc cao tốc, hoặc trèo qua cao tốc để sang trồng ngô, nuôi vịt, kiếm thêm nguồn thu, số còn lại đành phải để hoang đất, mặc cho cỏ dại mọc như rừng.
Sản xuất nông nghiệp không được, người trẻ vào khu công nghiệp, những người trên 50 tuổi không có nguồn thu nên cuộc sống người dân rất khó khăn. “Bà con có đề nghị nhà nước sớm có biện pháp thu hồi đất theo quy hoạch mà tỉnh đã phê duyệt, vì thực tế hiện đất không sản xuất được, để hoang thì lãng phí. Chúng tôi cũng đồng thuận với phương án này, bởi nếu đầu tư hệ thống đường nội đồng, tưới tiêu để sản xuất lại thì rất tốn kém và bất khả thi”, vị lãnh đạo xã Sơn Lôi nói.

Mòn mỏi chờ thu hồi

Được biết, từ năm 2014, cử tri xã Sơn Lôi nhiều lần đề nghị chính quyền xem xét giải quyết dưới hình thức thu hồi đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản đồng ý với đề xuất thu hồi 8,3 ha đất nông nghiệp này và giao Sở TN - MT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc thu hồi đất cho người dân, nhưng kế hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy.
Đến tháng 6.2016, Sở GTVT Vĩnh Phúc lại tổ chức hội nghị kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và thống nhất biện pháp giải quyết ảnh hưởng do dự án cao tốc Nội Bài -Lào Cai đối với đất nông nghiệp của người dân tại nút giao IC3 (hơn 8,3 ha của thôn Lương Câu).
Năm 2017, Sở GTVT Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với UBND H.Bình Xuyên và Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) kiểm tra và đề nghị VEC giải quyết, nhưng đơn vị này không đồng ý cấp kinh phí thu hồi, bồi thường vì cho rằng ảnh hưởng nêu trên do các đơn vị đầu tư trong Khu công nghiệp Sơn Lôi gây ra, chứ không phải VEC. Việc giải quyết rơi vào bế tắc.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết sắp tới, tỉnh sẽ giao Sở TN-MT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và đề xuất giải pháp để UBND tỉnh xử lý dứt điểm việc hơn 8,3 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm ở xã Sơn Lôi. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.