Không được học sinh giỏi thì liệu hồn !

Bích Thanh
Bích Thanh
06/01/2020 08:31 GMT+7

Đừng khiến con mình có cảm giác có lỗi, hãy nắm tay để con tự tin bước tiếp là chia sẻ của giáo viên trong thời điểm học sinh nhận kết quả học tập kết thúc học kỳ và các trường đang tổ chức họp phụ huynh.

 

“Đừng để điểm số làm tan nát hạnh phúc family”

Học kỳ 1 kết thúc cũng là lúc phụ huynh nhận thông báo về kết quả học tập của con em. Có những học sinh (HS) đạt điểm số như mong muốn nhưng cũng không ít học trò “trượt” danh hiệu HS giỏi vì những lỗi “không giống ai”. Và mỗi phụ huynh có những ứng xử với kết quả học tập của con em một cách khác nhau, không ít sự nhìn nhận trở thành động lực nhưng có khi lại khiến con mình “nơm nớp lo sợ”.
Một HS lớp 6, khi vừa nhận thông báo điểm kiểm tra học kỳ 1 đã “bần thần, không biết sẽ nói với mẹ thế nào khi điểm môn sinh học được 6 điểm”. Cô học trò nhỏ kể lại: “Vô tình, buổi chiều đi học về, mẹ con hỏi đã có điểm kiểm tra chưa? Sau khi biết điểm môn sinh học sẽ ảnh hưởng đến kết quả HS giỏi, mẹ con nói: “Để đó, mấy hôm nữa họp phụ huynh biết điểm chính xác mà không được HS giỏi thì liệu hồn! Con sợ lắm, chắc chắn bị ăn đòn rồi”.
Kết quả kiểm tra học kỳ 1 của N.Đ.Khoa, HS lớp 9 tại Q.3, không chỉ khiến bản thân lo lắng mà mẹ của em cũng “đứng ngồi không yên”. “Mấy hôm nữa tổng kết học kỳ, không nhận được danh hiệu HS giỏi thì không biết nói sao với bà nội”, mẹ của N.Đ.Khoa lo lắng. “Các môn học như toán, lý, hóa... cháu đều đạt kết quả cao vậy mà có một môn học thường được coi là môn phụ chỉ có 6,0 nên không được danh hiệu HS giỏi. Tiếc quá lại thêm lo bà nội la, sợ tết mất vui nhưng cũng đành chịu”, mẹ của Khoa tiếp tục suy tư.
Còn chị N.P.Hoàng có con đang học lớp 9 chia sẻ: “Năm học cuối cấp nên hầu như phụ huynh nào cũng có cảm giác căng thẳng về kết quả học tập của con. Thế nhưng khi đi họp phụ huynh nhìn thấy “tâm thư” của các con ghi trên bảng thông báo trong lớp “Đừng để điểm số làm tan nát hạnh phúc family” và không quên kèm theo lời hứa “Điểm kém, kỳ 2 chúng con sẽ cố gắng” đã khiến nhiều cha mẹ “giật mình, thả lỏng cảm xúc bởi sự đáng yêu của các con”.

Hãy là một phụ huynh văn minh

Trước những phản ứng của phụ huynh HS, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng cha mẹ không nên chỉ trích, la mắng thậm chí đánh đập vì sơ suất của con trước một môn học. Mỗi HS có một năng lực khác nhau, một sở trường và sự ham thích, đam mê khác nhau. Hãy nhìn nhận sự nỗ lực của các em để tránh cho các em cảm giác có lỗi.
Vị hiệu trưởng này cho hay, trong mỗi năm học có không ít HS “trượt” danh hiệu HS giỏi nhưng kết quả môn toán, hóa học hay vật lý... có khi cao nhất khối. Vì thế hãy là phụ huynh văn minh để thấy được thế mạnh của con em, từ đó khuyến khích, động viên các em phấn đấu hơn nữa trong việc học.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Tâm, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cũng nói chính phụ huynh phải thay đổi cách nhìn, biết công nhận sự cố gắng của con mình trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, không nên so sánh kiểu “con nhà người ta sao học giỏi thế!”. Phụ huynh hãy cùng nắm tay để các con tự tin thể hiện năng lực trên chặng đường phía trước...”.

Đa dạng các hình thức khen thưởng

Không chỉ vậy, ông Huỳnh Thanh Phú còn cho rằng việc khen thưởng HS trong trường cũng cần gắn với mục tiêu giáo dục. Đó có thể là sự động viên với những HS đạt thành tích tốt mà cũng là động lực để những HS có kết quả không như ý cố gắng hơn nữa. Khen thưởng cần kịp thời, tế nhị lan tỏa được những câu chuyện giáo dục. Ngay cả giấy khen, mỗi trường học cũng nên nghiên cứu, làm sao giấy khen vừa là niềm kiêu hãnh HS vừa mang văn hóa riêng của nhà trường. Đặc biệt, khi khen thưởng nên có sự tham gia của phụ huynh. Điều này không chỉ khiến phụ huynh tự hào, thấy thành tích con mình được ghi nhận mà còn tạo ra sự đồng hành, gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường trong mục tiêu giáo dục.
Bên cạnh các loại hình khen thưởng truyền thống, nhà trường cần đa dạng các loại hình khen thưởng trong hoạt động dạy học, qua đó giúp phát huy năng lực, tiệm cận với từng HS. Ông Phú cho rằng: “Chúng ta phải xỏ chân mình vào giày của HS xem có vừa, có chật, có rộng không, mới thấu cảm với các em. Đừng áp đặt, từ thầy cô, cha mẹ hãy là luôn là người truyền cho các em năng lượng tích cực, để các em thấy hạnh phúc trên mỗi bước đi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.