Không đồng ý cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhận chìm 6,9 triệu m3 bùn nạo vét

26/05/2022 08:18 GMT+7

Về việc xin nhận chìm hơn 6,9 triệu m 3 chất nạo vét khi triển khai dự án nạo vét, duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ý kiến cho rằng sẽ ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt gần bờ...

Ngày 25.5, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì hội nghị, cùng các ngành, đơn vị chức năng bàn và trả lời đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) về việc xin nhận chìm hơn 6,9 triệu m3 chất nạo vét khi triển khai dự án “nạo vét, duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn”, giai đoạn 2022 - 2026.

Theo trình bày của đại diện NSRP, hiện luồng ra vào cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang bị sa bồi nghiêm trọng, luồng vào cảng không đảm bảo độ sâu, dẫn tới việc tải trọng thiết kế của cảng có thể đón tàu lên tới 40.000 DWT, nay chỉ còn đón được tàu 30.000 DWT lúc thủy triều dâng, và 15.000 DWT lúc thủy triều xuống. Vì vậy, NSRP đã lập dự án nạo vét duy tu cảng giai đoạn 2022 - 2026, với tổng khối lượng nạo vét là 6,964 triệu m3.

Sau khi lập dự án, NSRP đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép NSRP nhận chìm toàn bộ chất nạo vét trên khu vực biển có diện tích 400 ha của TX.Nghi Sơn. Nguyên nhân đề nghị được nhận chìm chất thải, theo đại diện NSRP là do nếu sử dụng làm vật liệu san lấp thì chất thải khó đáp ứng tiêu chuẩn, phát sinh chi phí lớn, kéo dài thời gian.

Tuy nhiên, sau khi đại diện NSRP trình bày, tất cả các ngành và đơn vị chức năng của tỉnh Thanh Hóa đều bày tỏ quan điểm không đồng ý xử lý chất nạo vét bằng hình thức nhận chìm xuống biển. Các ý kiến đều phân tích và cho rằng, nếu tiếp tục nhận chìm hơn 6,9 triệu m3 chất thải xuống biển sẽ vượt quá sức chịu tải môi trường của vùng biển Nghi Sơn, ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt gần bờ của ngư dân TX.Nghi Sơn, ảnh hưởng tới hệ sinh thái vùng biển khu vực đảo Hòn Mê.

Trước kiến nghị của các bên liên quan, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh Thanh Hóa sẽ cân nhắc, nghiên cứu phương án tốt nhất cho cả doanh nghiệp và địa phương. Theo ông Giang, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị NSRP nghiên cứu phương án đổ thải trên bờ tận dụng làm vật liệu san lấp chứ không xử lý bằng cách nhận chìm, vì hiện nay nhu cầu vật liệu san lấp trong khu kinh tế Nghi Sơn là rất lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.