Không điều chỉnh giá điện ở thời điểm hiện tại

Mai Phương
Mai Phương
06/04/2021 09:58 GMT+7

Đó là khẳng định của Cục Điều tiết điện lực tại tọa đàm "Sử dụng điện mùa nắng nóng hiệu quả, tiết kệm, an toàn" sáng 6.4 do Báo Thanh Niên tổ chức.

Trước đó, nhiều bạn đọc gởi câu hỏi về Báo Thanh Niên lo ngại, liệu giá điện có sắp tăng hay không mà thấy ngành điện "rào trước đón sau" về việc hóa đơn điện có thể tăng cao trong những tháng tới. Hay đây là động thái "dọn đường" để ngành điện tăng giá điện? Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này đang thực hiện theo Quyết định 24/2017 của Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân theo thị trường. Ví dụ giá đầu vào như nhiên liệu, tỷ giá tăng hay giảm thì có sẽ điều tiết tương ứng với giá điện. Nhưng kể từ tháng 3.2019 đến nay, Bộ Công thương vẫn điều hành giá điện theo Quyết định 648 đã công bố và "không có việc điều chỉnh giá điện vào thời điểm này" - ông Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

Độc Lập

Bên cạnh đó, trả lời thắc mắc xoay quanh việc hạn chế lượng phát điện của một số nhà máy điện mặt trời trong khi ngành điện vẫn kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay trong những năm vừa qua, chính sách của nhà nước luôn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Đến hiện nay, công suất của năng lượng tái tạo đã đạt trên 17.000 MW và Việt Nam cũng đứng đầu về chuyển đổi năng lượng tái tạo trong châu lục. Do việc phát triển tương đối nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời nên thời gian qua ở một số khu vực đã xảy ra hiện tượng quá tải đường dây. Đặc biệt điện mặt trời có công suất không ổn định, chỉ tập trung phát vào một số giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 15 -16 giờ chiều. Do yếu tố không ổn định và phát triển nóng nên thời gian qua có một số thời điểm quá tải đường dây nên Tập đoàn EVN đã hạn chế công suất phát của một số nhà máy điện mặt trời. Giải pháp trong thời gian tới vẫn phải phát triển đường dây tải điện để phát hết công suất phục vụ cho phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân. Mặt khác năng lượng tái tạo là một hướng phát triển bền vững chung của thế giới. Nhà nước và Bộ Công thương vẫn tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và đó là xu hướng phát triển chính trong tương lai của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc hạn chế là do quá tải đường dây và chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn chính sách chung của nhà nước vẫn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Bởi chính sách tiết kiệm năng lượng là hết sức quan trọng của Chính phủ. Từ năm 2010 Chính phủ đã ban hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trong đó quy định thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả... Điều đó phải được xem là quốc sách và người dân nên áp dụng nhiều giải pháp, kinh nhiệm được các chuyên gia chia sẻ để tiết kiệm điện cho chính gia đình mình và cho đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.