Không để tình trạng “không làm cũng không sao”

03/07/2018 08:00 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xuất hiện sức ì ngày càng lớn làm cản trở môi trường kinh doanh, nên thúc giục các bộ, ngành phải làm thật, không để tình trạng không làm hoặc làm không tốt cũng không sao.

Câu chuyện cải cách môi trường kinh doanh là một trong những nội dung được đề cập nhiều nhất tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm qua (2.7), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tuyên bố nhiều, làm thực ít
Báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành Chính phủ 6 tháng đầu năm 2018, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay trong 6 tháng qua, Chính phủ đã thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan hành chính 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người. Bên cạnh đó, sắp xếp giảm 15 vụ thuộc các bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng: không còn 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 sở cảnh sát PCCC.
Liên quan tới cải thiện môi trường kinh doanh, ông Dũng cho hay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành công thương, y tế. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỉ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm.
Tuy nhiên theo ông Dũng, đến nay, trong 16 bộ, chỉ có Bộ Công thương đã trình ban hành nghị định cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đã dự thảo và lấy ý kiến thành viên Chính phủ về nghị định cắt giảm. 13 bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án nhưng chưa đạt tỷ lệ cắt giảm 50%; 1 bộ chưa có phương án.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã yêu cầu cắt 50% điều kiện kinh doanh nhưng tính đến tháng 6 thì con số này chỉ trên 13% theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư. “Nhiều tuyên bố nhưng đã cắt chưa? Đến nay mới có Bộ Công thương là có nghị định, Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT thì đang trình dự thảo”, Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, trình Chính phủ trước ngày 15.8 để Chính phủ ban hành trước 31.10 tới, đồng thời nhắc Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tăng cường kiểm tra công việc này. “Cần tiếp tục hủy bỏ điều kiện kinh doanh vô lý với tiến độ nhanh hơn, phải loại bỏ nguy cơ các điều kiện kinh doanh núp bóng, lẩn khuất trong những quy định mới. Nguyên tắc là môi trường kinh doanh cần bình đẳng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần có tiêu chí đánh giá cán bộ mới, gắn với trách nhiệm rõ ràng, không để tình trạng “không làm cũng không sao mà làm không tốt cũng không sao”.
Tuyên truyền để dân hiểu chủ trương, chính sách
Câu chuyện tình hình an ninh trật tự, nhất là các vụ gây rối tại một số tỉnh cũng được tập trung thảo luận. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, thời gian qua tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, đặc biệt sự việc xảy ra ngày 10 -11.6. Tỉnh và Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo củng cố các chứng cứ và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu và đã khởi tố vụ án, bị can. Đến nay đã bắt 32 đối tượng và sẽ xử lý nghiêm để răn đe. “Vụ việc vừa qua là bài học rất lớn đối với Tỉnh ủy, UBND và cả hệ thống chính trị và địa phương đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, dứt khoát không để phát sinh thêm tình huống phức tạp như thời gian qua”, ông Hai khẳng định và hứa sẽ xử lý quyết liệt, triệt để, có trách nhiệm trước dân, đặc biệt rà soát chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo, những vụ việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết việc có một số vụ biểu tình, bạo động diễn ra tại một số địa phương đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trị an và các hoạt động kinh tế ở khu vực.
Phát biểu kết luận, nhắc lại vụ việc gây rối vừa qua, Thủ tướng cho rằng do dân chưa hiểu nên phản đối. Vì vậy, cần tập trung tuyên truyền cho dân hiểu về các chủ trương, chính sách. Đồng thời đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, nhất là những tin đồn, bịa đặt, vu khống rất nguy hiểm. Theo Thủ tướng, mọi chủ trương, đường lối nếu không tuyên truyền tốt sẽ phản tác dụng, những cuộc chống đối vừa qua thể hiện điều đó. Thủ tướng nhấn mạnh đến việc xử lý đúng pháp luật, không để tình trạng phá hoại tài sản, bắt người thi hành công vụ.
Lo xăng thừa, điện thiếu
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dù chưa vận hành thương mại chính thức song đã đóng góp lớn cho kinh tế địa phương khi giá trị sản xuất công nghiệp trong thời gian chạy thử vừa qua đã góp 14% vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Với kế hoạch sản xuất 4 - 4,3 triệu tấn xăng dầu sau khi đi vào vận hành thương mại trong quý 3/2018, nhà máy sẽ góp phần tăng trưởng của tỉnh hơn 15%. Tuy nhiên theo ông Xứng, thời gian qua, sản phẩm nhà máy này đã phải đem gửi tại một số kho ở miền Trung. "Chúng tôi đề xuất các bộ, ngành cần có chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng xăng dầu của Nhà máy Nghi Sơn sắp vận hành", ông Xứng đề nghị.
Câu chuyện thiếu điện cũng là vấn đề được quan tâm thảo luận tại hội nghị. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, nửa đầu năm 2018, sản xuất điện tăng trưởng hơn 10% và cân đối cung - cầu điện trong năm 2018 sẽ không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguy cơ thiếu điện cho 2 năm tới là rất lớn. Kết luận vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong những cân đối quan trọng của nền kinh tế nên phải chuẩn bị từ bây giờ, không để xảy ra thiếu điện sau năm 2020.
Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu mở rộng. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm… Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra không ít thách thức. Đó là công tác vốn đầu tư giải ngân chậm, tình hình phát triển doanh nghiệp đang có xu hướng chậm lại. Cải cách đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn sức ì, bảo thủ còn lớn mà theo lời Thủ tướng là “vẫn bổn cũ xếp lại”.
Về ý kiến cảnh báo chu kỳ 10 năm khủng hoảng ở VN có nguy cơ lặp lại, Thủ tướng cho hay đã xem xét lại các dấu hiệu, song chưa thấy nguy cơ này. “Nhưng những thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, ngân hàng, tín dụng cần xem xét lại, để không xảy ra khủng hoảng”, Thủ tướng yêu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.