Không để người dân sống màn trời chiếu đất

29/10/2020 09:16 GMT+7

Phó thủ tướng yêu cầu Quảng Nam khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Tuyệt đối không để người dân sống cảnh 'màn trời chiếu đất', bị đói, thiếu thuốc men.

Tối 28.10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ tiếp tục kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 9 tại tỉnh Quảng Nam.

Tìm thấy 16 thi thể trong thảm họa sạt lở ở Nam Trà My, Quảng Nam

Tại buổi làm việc, nhận định tình hình mưa lũ sẽ vẫn phức tạp do hoàn lưu của bão, Phó thủ tướng yêu cầu Quảng Nam khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão. Yêu cầu tỉnh Quảng Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách là tìm kiếm bằng được những trường hợp còn mất tích; giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, bảo đảm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân. Tuyệt đối không để người dân sống cảnh “màn trời chiếu đất”, bị đói, thiếu thuốc men.
Trả lời báo chí vào chiều qua tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, bão còn hoạt động cho tới đêm 28.10. Do đó, công tác an toàn cho người dân sơ tán với 400.000 người là biện pháp hàng đầu.
Tại cuộc họp nói trên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 5, Quân khu 4 và các quân khu bên cạnh cùng các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn... tập trung lực lượng để ứng phó, cứu hộ trong và sau bão. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, phải có chương trình cụ thể là tìm kiếm cứu nạn bằng máy bay. Hiện nay, lực lượng cứu nạn bằng thuyền, tàu đã tốt nhưng có thêm phương tiện hiện đại thì có thể giảm thiểu thiệt hại.

Bão số 9 sẽ gây lũ lụt diện rộng ở miền Trung và Tây Nguyên

Chống bão chưa xong phải chạy lũ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc nảy sinh bức xúc nhất hiện nay là lũ các sông, đặc biệt là sông Vệ đã lên trên báo động (BĐ) 3 và sẽ tiếp tục lên cao, thậm chí lên trên BĐ3 trên 1 m. “Công tác số 1 là tập trung ứng phó, di chuyển, di dời tiếp người dân ở hạ du lưu vực nam Trung bộ để đảm bảo an toàn. Công việc này phải tiến hành khẩn trương, ngay từ giờ phút này (chiều 28.10 - PV)”, ông Cường nói. Cùng với đó, gió vẫn rất lớn nên vẫn tập trung công tác ứng phó đảm bảo đến mức an toàn cao nhất.
Sau bão, tỉnh Quảng Ngãi đang đối mặt với lũ. Chiều qua, sau khi kiểm tra thực tế địa bàn, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã chỉ đạo hai huyện Mộ Đức và Tư Nghĩa triển khai nhanh công tác di dời dân ở vùng trũng ven sông tại các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp (H.Tư Nghĩa) và các xã Đức Hiệp, Đức Nhuận, Đức Thắng (H.Mộ Đức) đến nơi an toàn, trong đó ưu tiên người già, trẻ em, người khuyết tật. Hiện nước sông Vệ đang dâng cao, đến 17 giờ chiều 28.10 đã vượt mức BĐ3 trên 0,3 m và tiếp tục lên.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cảnh báo lũ trên các sông đang lên nhanh. Trong khi đó, hồ thủy điện Đakđrinh xả điều tiết với lưu lượng 1.680 m3/giây; hồ Nước Trong xả 1.100 m3/giây và trong 12 - 24 giờ tiếp theo mực nước trên các sông còn có khả năng lên cao hơn. Trong đêm 28.10, tỉnh Quảng Ngãi cảnh báo tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng tại các vùng trũng, thấp và hạ lưu các sông tại một số huyện như: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.

Cảnh báo lũ cực lớn trên sông Vu Gia, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ ngập sâu nhiều nơi

Chiều 28.10, lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên nhưng ở mức trên BĐ1, riêng thượng lưu sông Kôn (Bình Định) trên BĐ3, hạ lưu còn dưới BĐ1. Đến tối 28.10, trường hợp hồ Đăk Mi 4 xả 11.400 m3/giây trong 6 - 12 giờ tới thì mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11, trên BĐ3 là 2,2 m (vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43 m). Đến chiều qua, lưu lượng xả tràn thủy điện Đăk Mi 4 đang xả xuống hạ du đã là 5.100 m3/giây. Với trường hợp thủy điện tiếp tục duy trì mức xả như hiện tại về hạ lưu trong 6 - 12 giờ tới, thì mực nước trên sông Vu Gia có khả năng lên mức 10,3 m, trên BĐ3 là 1,3 m (dưới mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,47 m).
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết nguy cơ rất cao ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện: Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP.Hội An (Quảng Nam), TP.Đà Nẵng.
“Đặc biệt, khu vực bắc Trung bộ có hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi đã đầy nước và tổn thương qua 3 đợt lũ vừa rồi. Vùng nam Trung bộ, ví dụ như Quảng Ngãi thì các sông ở lưu vực rất đầy. Nếu xảy ra vấn đề gì nữa thì dễ gây ra hậu quả khôn lường với vùng này...”, ông Cường nói.

Nhiều nơi tại Quảng Nam tan hoang sau cuồng phong bão số 9

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi diễn biến các hồ chứa, đặc biệt là ở Quảng Nam có nhiều thủy điện nên cần phải theo dõi chặt chẽ nhằm điều tiết nước đảm bảo an toàn hồ chứa. Bộ Công thương và EVN theo dõi chặt chẽ hệ thống truyền tải điện, nhằm đảm bảo an toàn tránh gây mất an ninh năng lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.