Không để giới đầu cơ hưởng lợi đất 'đặc khu' của dân

05/06/2018 05:17 GMT+7

Phiên chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà từ giữa giờ chiều 4.6 “nóng” với câu chuyện về ô nhiễm môi trường, quản lý, sử dụng, khiếu kiện đất đai... và đặc biệt là quản lý đất tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc - 3 địa bàn sắp được thành lập đặc khu.

Nhắc lại câu hỏi tới 2 lần và đề nghị Bộ trưởng trả lời, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng việc quản lý đất đai luôn luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và khó khăn, đòi hỏi phải có chiến lược, tầm nhìn, trách nhiệm. “Đất tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc vừa qua hết sức sôi động, diễn biến phức tạp, người dân bức xúc sau khi có tin được thành lập đặc khu. Bộ trưởng có biết chuyện đó không, giải pháp xử lý như thế nào, người dân thực sự có thể yên tâm?”, ĐB Trí chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng tình trạng “sốt” đất tại các đặc khu sắp hình thành là xu hướng chung của tất cả các quốc gia. Từ 10 năm trước, đất ở khu vực làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán "ngầm" vẫn diễn ra.
Tại các “đặc khu tương lai”, theo Bộ trưởng Hà, đang dừng các giao dịch chuyển nhượng mục đích sử dụng đất. Các địa phương đã ban hành chỉ thị thực hiện một số biện pháp cấp bách, chỉ đạo tạm dừng mọi giao dịch nhà đất tại các khu vực này. Bộ trưởng cho rằng “hình thức ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật hiện nay. QH cần ban hành Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu thì hiệu quả hơn”. Xa hơn, cần phải sửa luật Đất đai để chấn chỉnh tình trạng sốt đất, giao dịch ngầm… “Thời gian vừa qua, sai phạm chủ yếu việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp trái phép, hoạt động giao dịch ngầm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, kiểm soát yếu kém chưa kịp thời”, ông Hà nêu thực trạng và cho biết tới đây các địa phương phải rà soát lại toàn bộ thực trạng đất đai, quy hoạch và đền bù cho dân như thế nào để đảm bảo sự công bằng. “Khâu tiến hành thanh tra, kiểm tra cần phải làm để xem lại hồ sơ, thực trạng đất đai. Khi đền bù thì đảm bảo cho người dân đã khai hoang được hưởng quyền lợi xứng đáng, không để đầu cơ trục lợi, có cơ hội”, ông Hà khẳng định.
Khiếu kiện đất đai là vấn đề “nhức nhối”
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thông tin thời gian qua khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn chiếm tỷ lệ lớn, trên 70%, gây bức xúc trong nhân dân và làm mất trật tự an toàn, an ninh xã hội và đề nghị Bộ trưởng Hà cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, ĐB này nêu tình trạng nhiều địa phương giao hàng vạn héc ta đất ven biển cho tổ chức doanh nghiệp xây dựng dự án khu đô thị, khu du lịch làm mất quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển, gây khó khăn trong sinh hoạt, đời sống và đề nghị Bộ trưởng Hà cho biết hướng xử lý.
ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên) thì cho rằng, việc giải phóng mặt bằng dù là của địa phương nhưng Bộ TN-MT cũng có trách nhiệm để tránh tình trạng công tác thu hồi đất kéo dài, “treo” vô thời hạn, ảnh hưởng đời sống người dân.
Giải thích về những vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận trong các vấn đề khiếu nại, tố cáo, bức xúc trong xã hội thì đất đai là vấn đề “nhức nhối”, “nổi lên trên hết”. Tuy nhiên, ông Hà cho hay, 70% đơn thư khiếu kiện là từ năm 2003 - 2013, trước khi luật Đất đai có hiệu lực. Từ sau năm 2013, số lượng đơn thư liên quan tới đất đai chỉ còn 1/3 so với những năm trước đó. Theo ông Hà, để giải quyết tình trạng khiếu kiện đất đai, cần phải xem xét một cách bài bản từng vấn đề, xem lại các nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo để tìm ra giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Liên quan tới vấn đề nhiều bờ biển bị “xẻ thịt” do địa phương giao đất cho DN, ông Hà thừa nhận có tình trạng các nhà đầu tư lợi dụng các chính sách ưu đãi như trường hợp tại Đà Nẵng vừa qua và khẳng định việc xử lý để lập lại kỷ cương, tuân thủ quy định pháp luật đã có là cần thiết. “Quan điểm của chúng tôi là bờ biển là sở hữu chung chứ không phải của một DN, tổ chức nào cả”, ông Hà nêu.
Với việc giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng trả lời, phương pháp xác định giá đất có vấn đề nên thực tế giá đất đền bù thường thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường. Việc xác định quỹ đất cũng chưa làm được đầy đủ, nhiều khu giải phóng mặt bằng chưa được làm hạ tầng đảm bảo đã bán đất. Vậy nên nhiều khu sau giải phóng mặt bằng với mức tiền được đền bù người dân không mua nổi đất ở khu tái định cư. Giải pháp, theo Bộ trưởng, là định giá sát giá thị trường và đưa hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất hiệu quả hơn để chuẩn bị đất sạch ở nơi tái định cư, đảm bảo cuộc sống người dân tái định cư tốt hơn.
“QH quyết định cho thuê đất đặc khu thế nào Chính phủ cũng trân trọng”
Trao đổi bên hành lang QH sáng 4.6 xung quanh nội dung cho thuê đất đến 99 năm tại dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là dự thảo luật Đặc khu), Thủ tướng cho hay những ngày qua, cá nhân ông nhận được rất nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các nhân sĩ trí thức, ĐBQH bày tỏ quan tâm vấn đề này. “Thủ tướng, Chính phủ rất lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức, các ĐBQH và người dân. QH đang xem xét một cách thận trọng và QH quyết định thế nào thì Chính phủ cũng rất trân trọng”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý thêm, vấn đề cho thuê đất 99 năm cũng rất cá biệt. Theo đó, nếu có thì sẽ được Thủ tướng quyết định trên cơ sở xem xét một cách rất chặt chẽ, cùng với nhiều điều kiện khác đối với nhà đầu tư, và tất nhiên trước đó là phải lấy ý kiến các ngành, các cơ quan liên quan.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đây không phải là điểm mấu chốt của dự thảo luật. Bởi quan trọng nhất là chính sách, môi trường đầu tư làm sao để thu hút, tạo sự cạnh tranh với các đặc khu khác vì thế giới, vì các nước đã làm nhiều đặc khu, làm từ lâu và nhiều đặc khu đã rất thành công. Chí Hiếu (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.