Không có tên trong di chúc, vẫn được hưởng thừa kế?

Ngân Nga
Ngân Nga
26/02/2023 11:43 GMT+7

Có nhiều trường hợp dù không có tên trong di chúc nhưng theo quy định pháp luật vẫn được hưởng tài sản thừa kế của người cha để lại.

Chồng ngoại tình, tôi phát hiện nên chúng tôi ly hôn, dù đã có 2 bé gái. Anh sống với người mới, nhưng không đăng ký kết hôn. Họ có với nhau được 1 bé trai, 7 tuổi.

Do bị bệnh nan y, anh qua đời. Trước khi mất, anh viết di chúc để lại toàn bộ tài sản gồm nhà, đất và cửa hàng kinh doanh điện thoại cho người con trai này. Cha mẹ anh đã qua đời cách đây nhiều năm.

Hiện 2 con gái của tôi, một cháu 20 tuổi, đã đi làm, còn một cháu đang học lớp 11. Vậy tôi có thể thay mặt 2 con để đòi quyền lợi được hưởng thừa kế? Pháp luật quy định sao về trường hợp của tôi?

Bạn đọc Thanh Hà, gửi câu hỏi đến Thanh Niên.

Luật sư tư vấn

Cha di chúc hết tài sản cho con riêng, con của vợ cũ có được thừa kế?   - Ảnh 1.

Luật sư Lê Văn Hoan

NGÂN NGA

Luật sư Lê Văn Hoan (Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Lê Văn, Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn, theo Điều 644 bộ luật Dân sự quy định, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con thành niên mà không có khả năng lao động, thuộc diện thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Theo đó, họ "vẫn được hưởng phần di sản (tài sản) bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó".

Để xác định phần thừa kế theo pháp luật sẽ căn cứ theo Điều 651 bộ luật Dân sự. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, hàng thừa kế thứ nhất của người đã mất chỉ có 3 người con. Di sản sẽ được chia làm 3 phần, mỗi suất là 1/3.

"Do 1 người con học lớp 11, dưới 18 tuổi, chưa thành niên, nên mặc dù không có tên trong di chúc nhưng vẫn được hưởng ít nhất bằng 2/3 của suất chia theo pháp luật. Nghĩa là người con này sẽ được hưởng 2/3 của 1/3 di sản mà người chồng cũ của bạn để lại", luật sư Hoan phân tích.

Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được phân chia tài sản thừa kế, theo Điều 136 bộ luật Dân sự, người mẹ là đại diện theo pháp luật của con để khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế ra tòa án.

Cũng theo luật sư Lê Văn Hoan, nếu tranh chấp không có yếu tố nước ngoài và di sản có bất động sản, thì tòa án cấp huyện nơi có bất động sản thụ lý giải quyết. Đối với di sản không phải là bất động sản, thì tòa án cấp huyện nơi người bị kiện cư trú sẽ thụ lý giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.