Không có gì lo ngại về tỷ giá!

26/03/2015 06:20 GMT+7

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) tại cuộc họp báo ở Hà Nội chiều qua.

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) tại cuộc họp báo ở Hà Nội chiều qua.

* Biến động tỷ giá thời gian qua xuất phát từ những nguyên nhân nào thưa bà?

- Theo quan sát của NHNN, biến động tỷ giá thời gian qua chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý khi đồng USD tăng giá so với một số đồng tiền chủ chốt khác. Còn về cung - cầu thị trường và các yếu tố kinh tế không có gì đáng lo ngại. Dù nền kinh tế sau gần 3 tháng nhập siêu 1,75 tỉ USD nhưng ở chiều ngược lại, nguồn kiều hối tăng, đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp dồi dào đủ bù đắp. Thực tế, cho tới thời điểm hiện tại cán cân thanh toán tổng thể vẫn đang thặng dư 2,8 tỉ USD. Từ đầu năm đến nay, sau khi điều chỉnh tỷ giá 1% vào ngày 7.1.2015, NHNN đã mua vào được lượng ngoại tệ lớn. Cung - cầu vẫn ổn định nên chúng tôi không phải bán ra để can thiệp.

* Yếu tố tâm lý gây sức ép tỷ giá, tại sao NHNN lại im lặng, không đưa ra tuyên bố cung - cầu vẫn bình thường để ổn định thị trường?

- Thị trường ngoại hối rất nhạy cảm, trên thị trường khi tỷ giá có biến động dư luận rất quan tâm xem NHNN sẽ có động thái như thế nào. Tỷ giá có lúc tăng lúc giảm, là một cơ quan điều hành chính sách chúng tôi cần thời gian để theo dõi diễn biến đó. Ngày 18.3, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) họp, thị trường nghi ngại tỷ giá sẽ tiếp tục tăng cao. Thực tế thị trường lúc đó tỷ giá liên NH có bị đẩy lên 21.500 đồng/USD rồi tăng tiếp lên 21.540 - 21.650 đồng/USD, tuy nhiên vẫn nằm trong biên độ cho phép (giá trần là 21.673 đồng/USD). Cùng với đánh giá tác động cung - cầu không biến động, nên không có gì đáng lo ngại cả.

* Việc NHNN không điều chỉnh tỷ giá tác động như thế nào tới các DN xuất khẩu và nhập khẩu?

- Thứ nhất, không nhất thiết đồng USD cứ tăng mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt thì ta phải điều chỉnh tỷ giá theo. Thứ hai, nói tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu cũng phải cân nhắc vì xuất khẩu ngoài yếu tố giá còn là mẫu mã chất lượng sản phẩm, thị trường... Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu của VN lại phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu 90% từ nước ngoài. Do đó, khi điều chỉnh tăng tỷ giá DN nhập khẩu sẽ khó khăn bởi chi phí nhập hàng hóa tăng lên, kéo chi phí sản xuất tăng lên.

Hôm qua, Chính phủ họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhiều chuyên gia cũng cho rằng điều chỉnh tỷ giá hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng không nhiều, ngược lại làm cho nhập khẩu trở nên khó khăn hơn.

Giá USD giảm

Ngày 25.3, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm 40 đồng/USD so với ngày 24.3. Giá mua USD tiền mặt - mua USD chuyển khoản và giá bán USD tại Eximbank còn 21.450 - 21.470 - 21.530 đồng/USD; Vietcombank còn 21.465 - 21.465 - 21.525 đồng/USD; ACB còn 21.460 - 21.480 - 21.530 đồng/USD... Giá USD trên thị trường tự do giảm còn 21.600 - 21.620 đồng/USD (giảm gần 200 đồng/USD so với mức cao nhất của những ngày trước đó).

Theo báo cáo công bố ngày 25.3 của NHNN, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm là 4,01%/năm, giảm 0,22%/năm so với tuần trước đó; lãi suất các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 0,16%/năm và 0,01%/năm, còn 4,24%/năm và 4,55%/năm.

T.Xuân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.