Không có gì là không thể

21/11/2013 03:15 GMT+7

Mới 18 tháng tuổi, Nguyễn Duy Trác bị liệt 2 chi dưới sau một trận sốt quái ác. Là con trai đầu lòng của một đôi vợ chồng là giáo viên nên Trác vẫn được đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.

 Nguyễn Duy Trác (bìa phải) chụp với các bạn bè quốc tế cùng khóa học trong khuôn viên Trường ĐH Girona - d
Nguyễn Duy Trác (bìa phải) chụp với các bạn bè quốc tế cùng khóa học trong khuôn viên
Trường ĐH Girona - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dẫu được đến trường nhưng Duy Trác lại “học đứng”. Trác vẫn được xếp chỗ ngồi hẳn hoi, nhưng chỉ tội là các nẹp chân cố định cứ cứng đơ, không co duỗi được nên đành phải… đứng để học. Thời gian cứ thế dần trôi, có lúc Trác cũng mơ hồ ý thức được những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Những cái gọi là “tự ti, mặc cảm” rồi cũng thoáng qua, chưa kịp trở thành những vết sẹo khắc ghi trong tâm hồn còn non nớt, nhạy cảm ấy. Tất cả nhờ ở môi trường học tập và sinh hoạt. Suốt 5 năm ở bậc tiểu học, chưa bao giờ Trác bị các bạn trong lớp trêu ghẹo, quấy phá hoặc phân biệt đối xử vì cái vẻ ngoài “không giống ai” của mình. Trái lại, nhiều em còn tỏ ra “thần tượng” vì sự vượt khó vươn lên của Trác.

Trác chia sẻ: “Mình sống chan hòa với mọi người để thể hiện mình, để giải quyết tốt câu hỏi: Chuyện gì người ta làm được, sao mình lại không làm được? Nếu không làm được, thì tại sao, thì mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Ở trường Trác là một “cây toán”, một “vua cờ”, một hoạt náo viên có khả năng làm mọi người nghiêng ngả theo. Từ năm lớp 10 (năm học 1996 - 1997), người ta biết nhiều đến Trác nhờ bài viết Cậu học trò 9 năm “học đứng” đăng trên báo. Bài viết ấy cũng là lời động viên kịp thời để Trác hoàn thành chương trình bậc THPT với thành tích luôn là học sinh giỏi, thành viên đội tuyển vật lý của Trường Nguyễn Việt Hồng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cuối năm lớp 12.

Năm 1999, Trác lọt vào tốp 10 thí sinh trúng tuyển vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Cần Thơ. Ra trường Trác về đầu quân cho Trung tâm công nghệ phần mềm (Trường ĐH Cần Thơ) cho đến nay. Với tâm nguyện: “Chuyện gì người ta làm được, mình cũng làm được, thậm chí có thể còn làm tốt hơn. Tại sao không?”, Trác luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với vai trò là nghiên cứu viên, rồi trưởng nhóm kiểm định...

Ngoài thành tích công tác và các hoạt động đoàn thể, Trác còn dành nhiều thời gian để tích cực tham gia công tác thiện nguyện: hỗ trợ mẹ trong công tác khuyến học ở khu phố; sinh hoạt với câu lạc bộ Nhịp Cầu (Hội Bảo trợ người khuyết tật TP.Cần Thơ); tham gia các đợt thăm viếng, khám bệnh, tặng quà cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; tham gia tổ phát cơm từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ...

Đối với một số thanh thiếu niên trong cộng đồng khu dân cư có ham thích về công nghệ thông tin tìm đến nhà, Trác sẵn sàng chia sẻ, kèm cặp, định hướng, giúp đỡ. Trong số này hiện có người đã là những chuyên viên quản lý mạng, đang công tác ở các ngành y tế, công an của TP.Cần Thơ, và số nữa đang là sinh viên đại học.

Tất cả những thành tích mà Duy Trác đạt được đều không phải nhờ yếu tố “ưu tiên cho người khuyết tật”. Duy Trác vừa nhận được suất học bổng toàn phần đào tạo sau đại học từ dự án Techno theo chương tình Erasmus Mundus tại Trường ĐH Girona (Tây Ban Nha) do Liên minh châu u tài trợ.

Với chàng thanh niên khuyết tật nhưng rất nghị lực này, ai cũng nghĩ, mọi điều kỳ diệu đều có thể xảy ra và luôn rộng mở ở phía trước.

BTC cuộc thi 'Gương nghị lực phi thường' tiếp tục nhận bài dự thi đến 31.1.2014. Email nhận bài: nghilucphithuong2013@gmail.com, nghilucphithuong@thanhnien.com.vn, hoặc địa chỉ: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem trên www.thanhnien.com.vn hoặc toasangnghilucviet.vn

Nguyễn Thị Phương Lan

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.