Không có chuyện nhà máy Dung Quất phải đóng cửa vì thua lỗ

15/04/2015 13:36 GMT+7

(TNO) Trả lời phóng viên Thanh Niên Online tại cuộc họp báo về việc giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu diễn ra sáng nay, đại diện Bộ Tài chính khẳng định không có căn cứ cho rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất bị thất thu hàng nghìn tỉ đồng và đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

(TNO) Trả lời phóng viên Thanh Niên Online tại cuộc họp báo về việc giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu diễn ra sáng nay 15.4, đại diện Bộ Tài chính khẳng định không có căn cứ cho rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất bị thất thu hàng nghìn tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Dung-quat-dong-cuaBài toán Dung Quất được giải quyết sau khi Bộ Tài chính giảm thuế - Ảnh: Đ.N.T

Trước đó, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có văn bản kêu cứu các Bộ, ngành về việc giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu sẽ khiến nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Cụ thể, theo BSR, từ ngày 1.1.2015, Bộ Tài chính áp dụng mức Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong ASEAN (ATIGA), với thuế nhập khẩu xăng dầu áp ở mức 20% trong giai đoạn 2015 - 2018; dầu diesel đối với ô tô thuế suất 5% trong năm 2015 và 0% từ 2016 - 2018; dầu nhiên liệu có thuế suất 0% từ 2015 - 2018.

Đối với Dung Quất, nhà máy này được áp dụng theo biểu Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Cụ thể, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng, dầu hỏa là 35%, diesel 30%, mazút 35%...

BSR cho rằng, việc giảm thuế theo Atiga trong khi Dung Quất vẫn áp MFN sẽ khiến các doanh nghiệp bỏ mua xăng, dầu của Dung Quất, quay ra nhập khẩu từ các nước ASEAN vì thuế thấp hơn, và như vậy, mỗi năm nhà máy giảm thu mười mấy nghìn tỉ đồng. Ngoài ra, tập đoàn Dầu khí (PVN) mỗi năm cấp bù thuế suất cho Dung Quất ít nhất từ 1.000 tỉ đồng trở lên.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thông tin Bình Sơn đưa ra là thiếu căn cứ, chưa chính xác. Bởi từ ngày 1.1 - 10.3.2015, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu từ ASEAN vẫn áp mức thuế xăng theo biểu MFN là 35%, diesel 30%, chứ chưa áp biểu thuế mới theo Atiga là xăng 20%. Nguyên nhân là các doanh nghiệp chưa có được xuất xứ hàng C/O Form D để làm căn cứ được nhập theo Atiga. Vì vậy, ông Thi khẳng định, thông tin từ phía Bình Sơn đưa ra là thiếu căn cứ, chưa chính xác.

Ngoài ra, vẫn theo ông Thi, từ ngày 14.4.2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2015/TT-BTC, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng, dầu hỏa từ 35% xuống 20%; diesel giảm từ 30% xuống 20%, mazút giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%. Mức này đã cân bằng với biểu thuế suất Atiga. Do đó, giữa hai biểu thuế suất đã không còn chênh lệch.

“Thuế nhập khẩu ưu đãi MFN giảm xuống thì rõ ràng mức điều tiết của Dung Quất cũng giảm theo. Như vậy bài toán của nhà máy Dung Quất đã được giải quyết”, ông Thi khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.