Không chỉ doanh nghiệp, hải quan cũng khổ vì kiểm tra chuyên ngành

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/09/2019 14:35 GMT+7

Ngày 26.9, Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Anh và Cộng đồng doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) đồng tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh, những cuộc đối thoại thế này mục đích nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp về thủ tục hải quan, định giá hải quan, phân loại hàng hóa, cải cách hành chính giúp giảm tối đa chi phí lưu kho, lưu bãi...Tiến đến hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa.
Ông Neil James - Phó tổng lãnh sự Anh tại TPHCM nhận xét, việc nhập hàng, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hải quan đã cải thiện đi nhiều, thời gian rút ngắn gần một nửa so với trước. Tuy nhiên chính sách một cửa liên kết đồng bộ giữa các cơ quan chức năng khác nhau trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa đồng bộ để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp như kỳ vọng.
Phó tổng lãnh sự quán Anh nhấn mạnh: “Không chỉ hải quan, chúng tôi mong muốn được sự hỗ trợ chuyên nghiệp, đồng bộ từ các cơ quan quản lý hành chính khác của thành phố như thủ tục đầu tư, thủ tục cấp xuất xứ hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành…”.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương năm 2018, doanh nghiệp mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí cho các thủ tục kiểm tra chuyên ngành mỗi năm. Thống kê của Tổng cục Hải quan cuối năm 2018 cũng cho thấy, có khoảng 350 văn bản pháp luật quy định về chính sách quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hàng trăm doanh nghiệp Anh tham gia tập huấn với Cục Hải quan TP.HCM

Ng.Nga

Thực tế, hàng nhập qua cửa khẩu của hải quan TP.HCM hiện 68% được hệ thống hải quan điện tử phân luồng xanh tự động, khoảng 26% phân luồng vàng (kiểm tra hồ sơ) và 5-6% phân luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa). Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt trên 100 tỉ USD hằng năm và có thể tăng gấp đôi, gấp 3 trong nhiều năm tới, khi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết với các nước với mức thuế nhập khẩu về 0%.
“Năm 2011, tỷ lệ hàng nhập khẩu bị kiểm tra thực tế từ 25-30%, đến nay, con số đó đã giảm xuống 4,5 - 5%. Đó là nỗ lực lớn trong cải cách hành chính của nhiều ngành. Không chỉ có doanh nghiệp và ngay hải quan cũng vướng kiểm tra chuyên ngành khiến nỗ lực rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp của hải quan đôi khi bị chựng lại. Thế nên chúng tôi mong muốn tỷ lệ này giảm thấp hơn nữa để tạo tối đa thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Nghiệp chia sẻ.
Ngay sau phiên đối thoại, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức hội nghị tập huấn, tập trung vào các quy tắc xuất xứ, định giá hải quan, biểu thuế trong Nghị định 57/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mã HS và phân loại hàng hóa, và một số trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng doanh nghiệp Anh.
Sau hơn 46 năm (1973 - 2019) thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác và phát triển, Vương quốc Anh hiện đứng trong top 15 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với 3,75 tỉ USD đầu tư trực tiếp, 1 tỉ USD đầu tư gián tiếp. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt - Anh là 6,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Anh là 5,7 tỉ USD và nhập khẩu 1 tỉ USD.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.