Khống chế tốt dịch, vì sao Hà Nội chưa chịu ‘mở cửa’?

Mai Hà
Mai Hà
07/10/2021 07:52 GMT+7

Hà Nội chỉ còn 6 điểm phong toả và 1 ổ dịch nguy cơ cao là Bệnh viện Việt Đức. Đáng nói, dù đã cơ bản khống chế tốt dịch bệnh, song Hà Nội vẫn chưa cho đi học trở lại, chưa “mở cửa” với bên ngoài.

Từng lo lắng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh cao khi là đầu mối giao thương lớn của cả nước, các tỉnh giáp ranh đều có dịch, song sau hơn 5 tháng tính từ đầu làn sóng dịch thứ 4 (từ 27.4 đến chiều tối 6.10), Hà Nội chỉ ghi nhận 4.021 ca dương tính, trong đó có 1.603 ca cộng đồng.

Việc phong toả sớm và khá chặt đã giúp Hà Nội chặn được đà tăng của dịch Covid-19, số ca mắc mới và ca cộng đồng giảm dần sau mỗi đợt giãn cách. Đợt giãn cách thứ 4 cũng là thời điểm thành phố dồn lực cho chiến dịch tiêm vắc xin phủ mũi 1 và xét nghiệm diện rộng. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội quyết định nới lỏng giãn cách từ 6 giờ sáng 21.9 theo Chỉ thị 15, khôi phục lại nhiều hoạt động “bình thường mới”.

Tới hôm nay, 7.10, tức 2 tuần sau mốc điều chỉnh giãn cách, người dân đang chờ đợi thành phố có thêm các động thái nới lỏng mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các bước nới lỏng của Hà Nội còn khá dè dặt.

Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch cho học sinh đến trường

Tuệ nguyễn

Để đảm bảo an toàn, thành phố có thể tạo các “bong bóng trường học”, tức là thầy cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm.

TS Nguyễn Huy Nga

Covid-19 sáng 7.10: Cả nước 822.687 ca nhiễm, 757.086 ca khỏi ​| Dòng người về quê đã “hạ nhiệt

Nên cho trẻ con đi học trở lại

Theo thống kê, Hà Nội đứng thứ 2 về số lượng mũi tiêm và độ phủ vắc xin chỉ sau TP.HCM. Tính đến chiều 5.10, toàn thành phố đã tiêm được hơn 7,6 triệu mũi vắc xin, trong đó có 5,8 triệu mũi 1 (đạt 97,6% dân số trên 18 tuổi và 70,8% tổng dân số), tiêm được 1,73 triệu mũi 2 (đạt 28,8% dân số trên 18 tuổi và 20,9% tổng dân số).

Với quy mô 10 triệu dân, mật độ dân cư cao, song số F0 của Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng số ca F0 của cả nước. Hơn nửa tháng trở lại đây, trừ ổ dịch Bệnh viện Việt Đức (từ 30.9, đã phong toả), Hà Nội gần như không ghi nhận các ca dương tính ngoài cộng đồng.

Tiếp xúc cử tri chiều qua, 6.10, trước kiến nghị cho học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng việc này “cần phải được cân nhắc một cách thận trọng”. Lý do, theo ông Ngọc Anh, hiện 3 triệu học sinh các cấp của Hà Nội chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội nên cho phép trẻ em đến trường mà không cần phải đợi tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 18 tuổi, hay phủ vắc xin mũi 2 cho người dân.

“Trẻ em, học sinh, sinh viên của thành phố đã phải dừng đến trường từ sau 30.4 đến nay. Thành phố không nên sợ sệt quá, bởi tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức cao. Thực tế người dân đã đi lại, sinh hoạt bình thường trở lại, không còn ổ dịch nào bùng lên nữa, các F0 ngoài cộng đồng cũng không còn”, ông Nga nói.

Cũng theo chuyên gia này, trẻ em nếu lây nhiễm Covid-19 cũng không nặng bằng sởi hay thuỷ đậu, mức độ tác động của virus với trẻ em càng nhỏ thì triệu chứng càng nhẹ. Để đảm bảo an toàn, thành phố có thể tạo các “bong bóng trường học”, tức là thầy cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm.

Theo TS Nguyễn Huy Nga, Nhật Bản dù số ca nhiễm Covid-19 ở mức cao, song trẻ em của nước này vẫn đến trường. Hà Nội có thể điều chỉnh linh hoạt, chẳng hạn lớp học hay trường học nào có dịch có thể cách ly, môn học nào không cần thiết thì học online, song không nên dừng việc đến trường trên toàn thành phố quá lâu.

Về lâu dài, khi có đủ vắc xin sẽ tiêm dần cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên trước cho các em sức khoẻ yếu, béo phì hay có bệnh nền.

Bản tin Covid-19 ngày 6.10: Số ca nhiễm mới tiếp tục đà giảm | TP.HCM đang lấy lại sức sống

Hà Nội không nên “đóng cửa” hàng không, đường sắt

Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hà Nội cho biết, việc mở lại các đường bay nội địa cần có lộ trình. Công suất các khu cách ly tập trung của Hà Nội hiện chỉ là 110.000 người, nên trong thời gian ngắn mở cửa trở lại hàng không và đường sắt, số người cần cách ly tập trung sẽ vượt quá năng lực của thành phố.

Hà Nội vẫn chưa có ý định mở lại đường bay nội địa đến Nội Bài

NIA

Tuy nhiên, theo đề xuất khi mở lại bay nội địa của Cục Hàng không, hành khách bay sẽ thuộc đối tượng không phải cách ly (đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh). Hành khách tại vùng đỏ, xuất phát từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An sẽ phải thêm điều kiện xét nghiệm âm tính trong 72 giờ và cách ly tại nơi cư trú 7 ngày sau khi đến (xét nghiệm thêm 2 lần trong 7 ngày).

Đồng nghĩa với việc, nếu cho phép nối lại đường bay với các tỉnh vùng xanh, thậm chí là vùng đỏ, Hà Nội cũng không cần cách ly tập trung số lượng người quá lớn như ước đoán của Chủ tịch TP.

Nói thêm về việc này, theo TS Nguyễn Huy Nga, Chính phủ đã xác định không thể "zero Covid-19". Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ sân bay hiện không cao, vì đối tượng bay đều được giám sát chặt chẽ, tiêm đủ liều vắc xin, không phải đối tượng đi lại tự do. Hơn nữa, mở lại đường bay đến Hà Nội không chỉ là nhu cầu của người dân tới Hà Nội, mà còn di chuyển về các tỉnh phía Bắc.

“Nhiều tỉnh đã đồng ý mở lại bay nội địa. TP.HCM cũng đã mở, vì sao Hà Nội lại quá lo lắng? Ổ dịch tại bệnh viện Việt Đức đã được phong toả, các ca F0 phát sinh trong vài ngày qua đều trong khu cách ly và phong toả. Nguy cơ lây lan ra cộng đồng Hà Nội không cao, ổ dịch Việt Đức có thể coi như một sự cố trong phòng dịch tại bệnh viện. Hà Nội nên mở cửa rộng hơn nữa”, ông Nga khuyến cáo.

Trước đó, 2 sân bay lớn Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiếm tới 2/3 số lượng chuyến bay cả nước, đặc biệt đường bay Hà Nội - TP.HCM là đường bay trục chính trong mạng bay nội địa. Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nếu Hà Nội vẫn muốn đóng cửa sân bay Nội Bài, thì kế hoạch phục hồi mạng bay nội địa của ngành hàng không khó thực hiện hiệu quả. Đường bay trục Hà Nội - TP.HCM chừng nào chưa được mở lại, thì không chỉ ảnh hưởng cơ hội vực dậy ngành hàng không, tác động xấu tới giao thương đi lại, mà còn ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi kinh tế.

Trong khi hàng nghìn người đang phải đi xe máy vượt hàng trăm km, thậm chí hàng nghìn km về quê, hàng nghìn người khác đang kẹt lại chưa có phương tiện trở về, thì các địa phương cần sớm cho phép khôi phục đường sắt, hàng không sớm chừng nào hay chừng đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.