Không chấp nhận luật sư kháng cáo thay cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

22/05/2023 11:05 GMT+7

Diễn biến bất ngờ xảy ra tại phiên phúc thẩm vụ "đại án" AIC, TAND cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận việc luật sư kháng cáo thay cho cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn và những người khác đang bị truy nã.

Sáng 22.5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định đấu thầu và đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty AIC.

Bất ngờ: Không chấp nhận kháng cáo cho cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Vụ án này, ngoài tính chất, mức độ phạm tội, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là những tình huống pháp lý "xưa nay hiếm".

Theo đó, trong số 15 bị cáo có đơn kháng cáo, 8 người đang bị truy nã và được luật sư bào chữa nộp đơn kháng cáo thay. Nhóm này gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng Công ty AIC, và lãnh đạo một số công ty liên quan.

Bất ngờ: Không chấp nhận việc luật sư kháng cáo thay cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh 1.

Các bị cáo có mặt tại phiên tòa sáng 22.5

PHÚC BÌNH

Gửi đơn kháng cáo từ Mỹ về Việt Nam

Trước khi phiên tòa phúc thẩm mở, dư luận từng tranh cãi xung quanh việc tòa án sơ thẩm dành quyền kháng cáo cho các luật sư của nhóm bị cáo đang bị truy nã. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định như vậy không hợp lý khi đối chiếu với quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự, bởi nhóm bà Nhàn không thuộc đối tượng được luật sư kháng cáo thay.

Cũng vì điều trên, tại phần thủ tục, hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi quan điểm của đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội về việc 8 bị cáo được luật sư kháng cáo thay.

Đại diện viện kiểm sát cho hay, tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét hành vi của các bị cáo và tuyên án đúng quy định. Dù 8 bị cáo vắng mặt, song theo bản án sơ thẩm và quy định của luật pháp Việt Nam, xét nguyên tắc "có lợi nhất cho các bị cáo", kiểm sát viên đề nghị tòa phúc thẩm dựa trên các căn cứ trên để phán quyết, chấp thuận hay không việc kháng cáo thay này.

Tiếp đó, HĐXX hỏi các luật sư về việc có giấy ủy quyền của các bị cáo để nộp đơn kháng cáo thay hay không? Trả lời, phần lớn các luật sư cho biết không có giấy ủy quyền, chỉ dựa vào bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội, trong đó nêu rõ luật sư được kháng cáo thay cho các bị cáo vắng mặt.

Xem nhanh 20h ngày 22.5: Quốc hội miễn nhiễm ông Nguyễn Phú Cường | Không chấp nhận kháng cáo cho cựu Chủ tịch AIC 

Riêng luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, cho biết sau phiên sơ thẩm bị cáo đã tự có đơn kháng cáo gửi từ Mỹ về Việt Nam, xin được xét xử vắng mặt vì đang phải bảo hộ cho các con học tập tại đây. Đồng thời, luật sư cũng có đơn kháng cáo cho bị cáo Thuyết. Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét cho thân chủ của mình không giống như các trường hợp bỏ trốn và bị truy nã khác.

Tương tự, luật sư của bị cáo Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên, cũng cho hay thân chủ đã có đơn kháng cáo gửi từ Mỹ về Việt Nam, đồng thời luật sư cũng có đơn kháng cáo thay theo như bản án sơ thẩm có ghi nhận.

Bất ngờ: Không chấp nhận việc luật sư kháng cáo thay cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh 2.

TAND cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận việc luật sư kháng cáo thay cho cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

AIC


Các bị cáo đã tự từ bỏ quyền kháng cáo

Sau ít phút hội ý, HĐXX cho rằng, sau khi có bản án sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội đã thực hiện việc niêm yết bản án (để thực hiện quyền kháng cáo của những người vắng mặt) theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hết thời hạn kháng cáo, tòa án cấp sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt.

Theo quy định tại khoản 2 điều 331 bộ luật Tố tụng hình sự, các bị cáo đều không thuộc trường hợp (là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) để được luật sư kháng cáo thay. “Trường hợp này, kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện, người bào chữa cũng như thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo cho bị cáo”, chủ tọa phân tích.

Ngoài ra, việc các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, đến nay chưa có kết quả cũng đã thể hiện việc các bị cáo tự từ bỏ quyền của bị can, bị cáo, trong đó có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm theo quy định trong điều 61 bộ luật Tố tụng hình sự.

Từ những căn cứ đã nêu, HĐXX xác định bản án sơ thẩm đối với nhóm bị cáo bị truy nã thuộc trường hợp không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận việc những người bào chữa có đơn kháng cáo cho các bị cáo, các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và Ngô Thế Vinh, mặc dù 2 người này có đơn gửi từ Mỹ về Việt Nam nhưng không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện ngoại giao).

Thêm vào đó, đến nay các bị cáo chưa ra trình diện trước pháp luật, không có tài liệu nào chứng minh các bị cáo đã nhập cảnh về Việt Nam, cũng như không có căn cứ chứng minh về nhân thân của các bị cáo.

Vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định không đủ căn cứ chấp nhận xem xét theo thủ tục xét xử phúc thẩm đối với cả hai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.