Không bồi thường tinh thần cho thân nhân người bị oan vì 'dễ phát sinh phức tạp'

31/05/2017 11:04 GMT+7

Đây là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được trình bày trước Quốc hội sáng nay, 31.5.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, kể cả trong trường hợp người đó còn sống.
Lý do nhóm ý kiến này đưa ra là trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết.
Theo quan điểm của UBTVQH, khoản 4 điều 27 của dự thảo Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.
“Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Khắc Định nói.
Báo cáo của UBTVQH cho rằng bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng. Vì vậy, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý.
“Việc bổ sung quy định cũng sẽ làm phát sinh các vấn đề như mức bồi thường, phương thức bồi thường (bồi thường một khoản cho tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hay cho từng người), dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện”, ông Định nhấn mạnh.
Người bị oan yêu cầu cơ quan nhà nước mới xin lỗi công khai
Theo báo cáo của UBTVQH, có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần quy định tại Điều 27 thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc nhóm quyền nhân thân không gắn với tài sản.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, khoản 5 Điều 34 bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”. Như vậy, việc xin lỗi, cải chính công khai luôn gắn với quyền yêu cầu của người bị thiệt hại.
Theo UBTVQH, với tính chất của một quyền nhân thân thì bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên có quyền thực hiện quyền yêu cầu của mình.
“Quy định cơ quan nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt về quyền nhân thân của người bị oan”, ông Nguyễn Khắc Định nói.
Tuy nhiên, ông Định cho hay tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định khi thụ lý hồ sơ khi trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại dự luật 
Trong hoạt động quản lý hành chính, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp như ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật; áp dụng thủ tục hải quan trái pháp luật... 
Trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ, người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trả tự do hoặc hủy bỏ quyết định tạm giữ...
Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp như tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu, không đúng thời hạn hoặc không áp dụng mà không có lý do chính đáng; ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật; thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ hoặc làm hư hỏng các tài liệu, chứng cứ hoặc bằng các hành vi khác làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc dẫn đến việc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật...
Trong hoạt động thi hành án hình sự, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp như thi hành án tử hình đối với người thuộc trường hợp không bị thi hành án tử hình, giam người bị kết án phạt tù quá thời hạn phải thi hành án; không thực hiện quyết định hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, đặc xá của Chủ tịch nước, đại xá của Quốc hội…
Trong hoạt động thi hành án dân sự, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp ra hoặc không ra quyết định trái pháp luật (thi hành án; thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án...); tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành quyết định quy định trái pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.