Không biết có thai, người phụ nữ 45 tuổi suýt tử vong do băng huyết

Lê Cầm
Lê Cầm
09/06/2022 13:16 GMT+7

Bệnh nhân nữ (45 tuổi, ở TP.HCM) trước khi nhập viện 1 tuần bị xuất huyết âm đạo nhưng không biết, tưởng là mình có kinh nguyệt trở lại sau khi con nhỏ được 1 tuổi.

Thấy xuất huyết nhiều hơn, bệnh nhân nhập viện tại một bệnh viện ở TP.HCM. Tại bệnh viện này, qua siêu âm bác sĩ phát hiện một thai sống trong lòng tử cung, thai 21 tuần, theo dõi nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nồng độ huyết sắc tố khi vào chỉ còn có 1/2 của người bình thường.

Bệnh viện đã xử trí truyền dịch, được hồi sức tích cực bằng dịch truyền, vận mạch, 6 khối hồng cầu 350 ml, huyết tương tươi đông lạnh… để duy trì tuần hoàn. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu để cắt tử cung, cầm máu cho bệnh nhân, nếu không sẽ khó giữ được tính mạng.

Hậu phẫu, sản phụ có tình trạng rung thất và rung tim. Bác sĩ nghĩ đến trường hợp nhồi máu cơ tim nên cho chụp mạch vành. Tuy nhiên kết quả cho thấy không phải nhồi máu, ngay trong đêm ê kíp bệnh viện bật báo động đỏ sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 9.6, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Huy (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết ngay sau khi nhận tin, bệnh viện trình báo lãnh đạo, nhận định cần can thiệp ECMO nên chuẩn bị các dụng cụ cần thiết và cử ê kíp ECMO sang bệnh viện bạn để hỗ trợ.

Bác sĩ chuyên khoa 1, Trần Hoàng An (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) trực tiếp sang bệnh viện tuyến trước để can thiệp ECMO cho biết, tại thời điểm ê kíp sang, bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử giãn 50 mm, đã ngưng tim gần 30 phút, đang được ê kíp bệnh viện tuyến trước nhồi tim hồi sức tích cực để đảm bảo oxy nuôi não.

"Bệnh nhân đã được thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước. Nên chỉ mất 10-15 phút, ê kíp Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn thành can thiệp ECMO kết hợp nhồi tim, kỹ thuật này được gọi hồi sinh tim phổi (E-CRP)", bác sĩ An chia sẻ.

Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, kết hợp hạ thân nhiệt, giảm nhiệt độ dòng máu trên hệ thống ECMO để bảo vệ não, tăng hồi phục.

Hôm sau bệnh nhân có xuất huyết, chảy máu trong ổ bụng. Các bác sĩ hội chẩn đưa bệnh nhân qua phòng mổ, phát hiện có chảy máu trong ổ bụng nên xử lý cầm máu tiếp tục hồi sức

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi hồi phục

bvcc

Theo bác sĩ An, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện hơn 500 ca ECMO nên có nhiều kinh nghiệm, mọi việc tiến hành thuận lợi. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là di chuyển người bệnh về bệnh viện.

"Nếu bệnh nhân can thiệp ECMO nằm tại ICU bị rớt ống thở oxy cannula thì việc xử lý đã khó, bệnh nhân trên xe cấp cứu nếu rớt cannula thì càng nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, nên phải rất thận trọng. Chỉ một sơ suất nhỏ như mất điện, hết pin làm hệ thống ECMO ngưng... sẽ ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân", bác sĩ chia sẻ.

Theo các bác sĩ, ở bệnh nhân ngưng tim, kỹ thuật hồi sinh tim phổi khả năng thành công trên thế giới 30%, tại Bệnh viện Chợ Rẫy khoảng hai mươi mấy %. Để cứu sống bệnh nhân thành công, không để lại di chứng thì công tác hồi sức trong lúc ngưng tim đảm bảo phải thực hiện tốt, không thiếu máu não.

Hiện bệnh nhân đã được rút nội khí quản, hồi phục tốt, không để lại di chứng, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên thận trọng theo dõi sức khỏe và đến khám tại cơ sở y tế ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, không nên chủ quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.