Không âm không sắc - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc

11/10/2015 04:00 GMT+7

Sau ngày Phong đi Nhật công tác, Thanh có cái duyên gặp một người phụ nữ.

Sau ngày Phong đi Nhật công tác, Thanh có cái duyên gặp một người phụ nữ.

Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
Đấy là một cô nghệ sĩ viết nhạc tên Cầm, nhỏ người và xinh đẹp. Họ gặp nhau ở studio chụp ảnh của một người bạn chung. Sài Gòn mưa tầm tã.
Cầm nhắn tin hỏi Thanh rằng, có muốn gặp nhau một chút không? Thanh đồng ý. Trời vẫn mưa và bữa ăn tối một mình ở Bistro không được ngon miệng cho lắm. Thanh vội vã kêu tính tiền, rồi men theo vỉa hè có mái che, cô đã ra được tới chiếc taxi đứng chờ cách quán không xa. Trong khoảnh khắc, cô nhận thấy mình cần phải thay đồ. Bộ đồ cô đang mặc quá nhàu nhĩ cho cái buổi, có vẻ là hẹn hò, đầu tiên của hai người mới quen biết nhau. Và chẳng biết tại sao, cô nghĩ mình cần một bộ đầm đen. Thanh luôn cảm thấy dễ chịu trong những bộ đồ đơn sắc. Phong bảo rằng, anh có thể đếm được khoảng hai mươi bộ đồ màu đen trong tủ quần áo của cô, và mười sáu cây son theo lời cô là màu đỏ, anh thề rằng bản thân anh chẳng tài nào phân biệt được những màu đỏ ấy khác nhau ở điểm nào. Không kịp chạy về nhà để thay đồ ra, vì trên đài báo những con đường lớn đã kẹt cứng. Mà giả có về nhà thì chắc Thanh sẽ không đủ sức nhấc mình lên lại để tới chỗ hẹn. Vậy thì nên đi mua một bộ đồ đen, ở nơi nào đấy quen thuộc mà Thanh chắc chắn sẽ tìm được đồ cho mình. Bây giờ thì Thanh đã biết, tại sao cô không nên áy náy khi bắt anh chờ hàng tiếng buổi sáng trước khi cô lựa được bộ đồ ưng ý và sắm được khuôn mặt hài lòng bước ra đường đi làm cùng anh. Để không phải loay hoay chuyện lụa là son phấn nếu lỡ trong ngày hôm ấy, Thanh nhận được cuộc hẹn bất ngờ, như hôm nay.
Chiếc đầm đen Thanh tìm thấy trông hơi luộm thuộm. Không sao. Thanh thích thế. Thanh biết bản thân mình sẽ thế nào khi cô còn chưa chui đầu qua cổ áo của một chiếc đầm. Và cô sẽ nhoẻn miệng cười khi ai đó nói rằng “trông nó rất ra Thanh”. Mà cái gì là Thanh? Lần duy nhất cô hỏi câu hỏi này vào một đêm tối, cô giật mình tỉnh giấc giữa đêm. Khi người đàn ông nằm bên cạnh vẫn say sưa ngủ, Thanh len lén gỡ chăn ra khỏi người rồi bước về phía cửa sổ. Ánh sáng bao la từ bầu trời, tựa miệng túi khổng lồ sỗ sàng đổ xuống, không e thẹn và không biết giữ lại gì cho mình. Thành phố sáng mờ ảo đều nhau, từ trên cao Thanh nhìn xuống, không có nơi nào đủ sáng hoặc đủ tối để cô muốn lao tới. Rồi cô tự hỏi “mình là gì?”. Chỉ là hình thù và tiếng vọng của lời mình, như có lần cô đọc đâu đấy thôi sao? Thanh đã nghĩ, vậy thì lời nói của cô hẳn phải có màu sắc và nhịp điệu chứ. Tất cả chỉ là suy nghĩ trong một đêm giật mình thức giấc. Rồi Thanh quay lại giấc ngủ nhanh chóng, nhanh như sự xuất hiện của những trăn trở bộc phát kia. Và sáng hôm sau, cô đã kịp quên cái giây phút cô nhìn thứ ánh sáng tràn trề phủ lên trên toàn thành phố với câu hỏi mà có lần nhớ lại, Thanh thấy nó thật ngớ ngẩn và còn sâu sắc quá so với một người giống cô. Thanh đung đưa qua lại một hồi trước tấm gương lớn của tiệm, song sực nhớ ra mình bị dính vài giọt mưa lúc đi từ trong quán ăn ra xe taxi, cô quay sang hỏi cô bé quản lý tiệm về việc mình có thể sử dụng nhà tắm một lát không. Cô bé gật đầu, rồi đi vào bếp pha cho cô một tách trà ấm.
Đã có hơn một lần Thanh đắn đo, hay mình nhắn tin cho Cầm, bảo rằng có việc gia đình đột xuất rồi đi thẳng về nhà ngủ. Cứ thế, cô ngồi lì trong tiệm quần áo, nhẩn nha uống tách trà đã sắp nguội trong khi thời gian hẹn gặp đã qua đi được mười phút. Và ngay thời khắc cô mở điện thoại ra để soạn tin nhắn, Cầm gọi. “Ừ, em ở gần đây thôi, đi bộ năm phút là tới, trời ngớt mưa em sẽ đi liền”. Những cuộc hẹn thế này, Thanh đã bước qua hàng chục lần ở những năm hai mươi tuổi. Trong những lần tuyệt vọng nước mắt lưng tròng, trong những lần rệu rã vì những ngày rong ruổi, trong những lần thống thiết bi ai đóng tròn vai một tuổi trẻ dại khờ, Thanh đã gặp bất cứ ai kỳ quặc, một kiểu kỳ quặc mà cả hai đều muốn nghĩ nó là thế, để thể hiện những trạng thái ấy theo cách của cô, và để sau cùng được nghe họ nói “em thật lạ lùng, tôi chưa gặp ai lạ lùng như em”. Khi ấy, Thanh thấy tuyệt vọng càng tuyệt vọng hơn, rệu rã càng rệu rã hơn, bi ai càng bi ai hơn, và những cảm xúc đó, chúng rõ ràng đã hân hoan hẳn lên sau khi nghe ai đấy nói cô “lạ lùng”. Cô mới giương đôi mắt trẻ thơ lên mà dõng dạc nói: “Đừng dùng từ ấy với em, nghe thật tầm thường. Ai cũng bảo em như vậy”.
Cô ngồi bên cạnh Cầm, trong một Gallery mà Cầm đã mượn lại từ một người bạn. Ngổn ngang tranh ảnh. Có thêm anh bạn nhiếp ảnh, người sở hữu studio nơi mà Thanh và Cầm lần đầu gặp nhau. Cầm chuẩn bị một máy hát đĩa than. Họ bật nhạc khe khẽ, và ánh sáng cũng dìu dịu phát ra từ bóng đèn vàng duy nhất treo trên trần nhà. Họ nói chuyện rôm rả với nhau. Lâu lâu, Thanh lại di ngón tay lên chỗ rách tả tơi trên chiếc quần jeans mà Cầm đang mặc. Cô đã không nghĩ gì khi ấy. Ngoài trời mưa đã tạnh hẳn. Sự ướt át được hong khô và cảm giác mát lạnh khiến Thanh muốn vuốt ve bất cứ thứ gì cô chạm vào, bất cứ thứ gì có thể. Được một lúc, Thanh thôi không di ngón tay lên Cầm nữa. Cô luồn tay vào bụng mình, đã chẳng thể phân biệt được giữa da thịt và chất liệu thun lạnh của chiếc váy. Rồi cô nằm hẳn ra sàn nhà. Thanh đã đi khỏi cuộc nói chuyện của cả ba người. Phải đến ba mươi phút Thanh ở trong trạng thái đó. Và khi cô tỉnh dậy, cô đã hoàn toàn không thể theo kịp câu chuyện của hai người kia. Họ đang nói về gã bầu show nào đấy. Thanh đi vào phòng vệ sinh rửa mặt. Lúc quay người đi, cô đã nhìn thấy ánh mắt ấy đuổi theo cô, như là một nụ cười.
Chẳng hiểu sao từ lúc Phong đi công tác, Thanh lại ngủ nhiều đến vậy. Những buổi tối trước, chưa đến mười giờ là hai mắt Thanh đã nhắm tịt lại. Cứ thế, cô lao thẳng vào giấc ngủ, không chút lan man hay mộng mị. Cô gà gật suốt cả ngày, từ công sở cho đến quán ăn. Người ngoài không biết có khi họ lại tưởng chắc Thanh đang nghén mất. Hôm trước ngày Phong đi, cô và anh vẫn còn ngồi với nhau suốt buổi tối để uống rượu. Tối hôm trước nữa, trước nữa và trước nữa họ vẫn thức đêm uống rượu. Từ ngày sống với Phong, Thanh chưa bao giờ ngủ sớm như những ngày gần đây. Cả ngày cô chỉ muốn mở máy lạnh lên rồi trùm mền ngủ. Càng ngạc nhiên hơn là Thanh lại chả còn cảm giác muốn uống rượu hay tụ tập. Như lúc nãy, Thanh đã những đắn đo muốn nhắn tin hủy cuộc hẹn với Cầm. Giờ thì cô có chút tiếc nuối vì đã không quyết liệt hơn. Khi Thanh từ toilet bước ra, những ngón tay nhỏ nhắn của Cầm đang vân vê xe miếng giấy trắng đặt trên đầu gối mình thành điếu thuốc nhỏ xinh xắn. Động tác của Cầm trông rất đẹp mắt, và những ngón tay điêu luyện tới mức trông cô như một người nghệ sĩ chuyên xe thuốc hơn là một tay viết nhạc. Mùi thuốc thơm như vệt nắng khét có lần cô đã ngửi thấy trên cao nguyên. Họ truyền nhau điếu thuốc. Nước mắt Thanh chực ứa ra để cuốn trôi đi cái nhìn vô định mà Thanh đã ném nó vào nơi bừa bộn nhất, và dù ánh sáng có yếu hơn thế, cô chắc rằng mình vẫn có thể nhìn thấy được những cục sơn khô vón lại bám víu bức tranh trong cùng.
Chiếc máy đĩa than đã thôi phát nhạc. Cầm kéo hai hơi và bắt đầu vớ lấy cây guitar dựng kế bên. Cầm chơi nhiều bản khác nhau nhưng không chơi nhạc của cô sáng tác. Anh bạn nhiếp ảnh hát vu vơ theo vài câu. Và rồi cũng chẳng còn ánh yếu ớt. Mọi thứ tối sầm lại. Ai đang đi ngoài kia, trời mưa gió thế này. Thanh thấy mình đã vón thành cục đen thui ngồi co mình trong bóng tối. Tiếng đàn của Cầm chạy loanh quanh khuôn mặt của Thanh. Cô chợt nhớ về một cuộc hẹn trong quá khứ, nghĩ tới câu nói mình đã thốt ra ở năm hai mươi tuổi: “Nếu chúng ta ngủ với nhau đêm nay, ngày mai anh đừng liên lạc với em làm gì”, tự dưng Thanh xấu hổ. Cô có thể cảm nhận được đôi má của mình đang nóng bừng lên. Cô thực sự bị vón cục. Âm thanh của Cầm không thể chạm vào Thanh được. Cô trơ ra như thế, cứ trơ ra như thế. Nếu xấu hổ là một hình hài thì giờ đây có lẽ Thanh đang ngồi đối diện với nó. Cô đã đối diện với nhiều hình hài khác của mình, và đôi khi còn nói chuyện cùng nó, những câu ngắn thôi, kiểu như “buồn cười thật đó Thanh”, hay “biến mất đi Thanh ạ” khi cô co ro trong bồn tắm hoặc lơ đễnh trước gương. Thanh rất hay tưởng tượng ra cảnh mình biến mất, kiểu, giả sử mình biến mất thì sao nhỉ? Hoặc, mình nên biến mất trong bao lâu?
Bất ngờ, Thanh đứng phắt dậy, đề nghị:
“Mình đừng ngồi ở đây nữa. Đi ra ngoài kiếm gì ăn không?”.
Anh bạn nhiếp ảnh nói rằng anh sẽ về nhà, vì người yêu anh vừa nhắn. Cầm đồng ý đi với Thanh. Hai cô gái nói lời chào tạm biệt anh bạn rồi thả bộ trên đường, vừa đi vừa ngó nghiêng tìm quán để chui vào.
Họ bước vô một quán mì. Mắt Cầm vẫn sòng sọc nước. Thanh nghĩ chắc là mắt cô cũng thế. Họ lật thực đơn ra và chỉ ngón tay lên món mình muốn gọi. Trong lúc đợi đồ ăn, chẳng ai nói với ai câu nào. Cả hai cùng gục đầu trên bàn. Rồi họ cặm cụi ăn. Xong, họ lặng lẽ kêu tính tiền.
“Em về đâu? Tiện đường thì Cầm đưa em về”.
“Nhà chị ở đâu?”
“Bên Nguyễn Hữu Cảnh”
“Thôi ngược đường rồi. Em tự đi taxi về”.
Cầm mở giúp Thanh cửa taxi. Đó là lần duy nhất từ lúc đến quán ăn, họ nhìn thẳng mặt nhau. Họ còn gặp lại nhau một lần nữa, vào buổi trưa hôm sau. Thanh chỉ nhớ loáng thoáng đoạn đối thoại không mấy đặc biệt của hai người.
“Thế, người yêu em đi vắng, em ở nhà một mình à?”
“Ừ, không sao, em thích một mình”
….
“Em từng sống một mình rất nhiều năm trước…”
“À”
Rồi Thanh im bặt. Chả có gì thôi thúc cô nói thêm. Đó không phải là một câu chuyện xã giao thông thường. Nhưng đó cũng không phải là một bí mật. Thanh không có bí mật với thế giới này. Cô nói với Cầm:
“Xin lỗi chị nhé, bình thường em cũng không đến nỗi tệ, chỉ là giai đoạn này tự nhiên em chán quá. Hy vọng một lần nào đó tình cờ gặp lại nhau, em và chị sẽ nói chuyện vui vẻ”.
Cầm rõ ràng là một cô gái hấp dẫn. Nhưng họ đã không liên lạc gì với nhau, kể từ buổi trưa hôm ấy.
***
Những ngày mưa. Thanh không biết mình phải làm gì để đi qua nó.
Sáng chủ nhật, Thanh vô bồn tắm xả nước và ngồi ôm gối trong đấy suốt nhiều tiếng đồng hồ. Chiếc loa nhỏ trong phòng phát đi phát lại bản Valse sentimentale. Cô đã như ngủ quên mất, đã như trôi ở một không gian nào đấy và đã như thấy đôi bàn tay mình như tan đi dưới làn nước. Rồi từng mảng da thịt khác cũng tan đi, cô chỉ còn cảm nhận được mỗi chỗ ấy là của mình, nó không thuộc về nước. Miếng thịt nhỏ bé chẳng biết đang run rẩy hay tê dại. Một nỗi đau cất tiếng ngay rãnh ngực. Cô đã nghe tiếng nấc của mình với cái ý thức đứng giữa lằn ranh hiện thực và ảo ảnh. Cô đã thấy mình cô đơn. Cô và nước mắt luôn có một cuộc trò chuyện riêng tư như thế, giữa hai thực thể trong suốt và câm lặng, chỉ bật thành tiếng khi bị rơi bể. Nước xé da thịt cô ra, và tiếng violin từ chiếc loa đã di ngón chân lên chỗ bị xé toạc ấy. Rất lâu rồi, Phong không còn hỏi tại sao Thanh khóc. Vì Thanh chưa từng cho Phong một câu trả lời. Cô không có câu trả lời. Và chắc là Phong cũng không cần câu trả lời nữa.
Thanh đã muốn với chai rượu trên kệ tủ và rót một ly uống. Nhưng ngay lập tức, cô thu mình dè dặt. Đấy là lúc cô chợt nhìn thấy mình trên cái cửa tủ làm bằng kính, vài phút. Rồi Thanh trở vào phòng thay đồ, xách túi và đi ra khỏi nhà. Còn cả tuần nữa Phong mới về.
Thanh đến chỗ làm tóc quen thuộc. Trên đường đi và kể cả khi đã vô đấy rồi, cô vẫn chưa hình dung được mình sẽ làm kiểu đầu gì. Mái tóc này cô để cũng khá lâu, không gì đặc biệt, màu đen và hơi xoăn. Cô nhân viên của tiệm đưa Thanh vào buồng gội đầu.
Buồng gội cách phòng làm tóc đúng một lớp kính màu đen. Trong đây không có tiếng máy móc lao xao. Ngay khi vào buồng gội đầu, Thanh đã nghe tiếng gió và tiếng nước chảy trên người mình. Thanh đến đây lần đầu tiên vào bốn năm trước. Cứ khoảng nửa năm cô quay trở lại một lần, rất đều đặn, một lần mùa hè và một lần gần tết. Chưa bao giờ cô đến ở thời điểm tháng mười, đường phố ướt át và con người rệu rã đi vì thiên nhiên không biết mình muốn gì. Tiệm làm tóc này lấy giá khá cao so với những nơi khác, song không biết có phải vì thói quen mà mỗi lần cần làm gì đó với mái tóc của mình, Thanh lại không nghĩ ra được nơi đâu ngoài nó. Bốn năm trước và bốn năm sau, không có gì thay đổi. Vẫn là chị chủ tiệm ít nói. Người ta ít nói chuyện hay thì thầm ở đây. Thanh không hiểu tại sao. Lần đầu tiên đến tiệm, một thứ năng lượng của sự im lặng đã xâm chiếm lấy Thanh, và cô tự động im lặng. Chỉ có tiếng máy sấy ù ù bên tai nhưng nó đều đều tới mức người ta chẳng còn nghĩ nó là một thứ âm thanh. Như mái tóc màu đen của Thanh, không riêng gì cô mà chắc hẳn nhiều người quên mất nó cũng là một sắc nằm trên bảng màu. Cô nằm ngửa mặt nhìn trần. Người ta xả nước lạnh lên đầu cô, tóc cô. Cô cứ nhìn trân trân. Buồng tối là vậy song Thanh vẫn thấy rất rõ từng mảng màu xanh lượn sóng được vẽ trên trần nhà, tươi mát và nhẹ nhàng đến lạ. Cô đã nghĩ, có lẽ thay vì kêu khách giữ im lặng bằng những tấm bảng treo, người ta đã vẽ bức tranh màu xanh ấy để thu hút sự chú ý. Nhiều vệt lượn sóng, sao nhỉ, trông như một người đàn bà bụng bự đang hòa với năm người đàn ông. Khi nhìn những mảng màu xanh da trời chỗ đậm chỗ nhạt cong mình trải dài trên trần nhà, bất giác cô gặp lại cái nhói ngay rãnh ngực ban nãy, nó chính xác là một, chỉ là lần này nó chậm rãi hơn, mơn trớn hơn. Cô đặt chéo hai bàn tay lên bầu ngực mình. Rồi cơn đau dịu dàng lan tỏa xuống bụng, và xuống nữa.
Nhưng Thanh đã không khóc.
Chị chủ tiệm tên Lam, vẻ như không còn trẻ. Chị luôn mặc áo màu trắng, quần đen hoặc áo đen quần đen. Chị hỏi Thanh:
“Bữa nay em làm gì?”
“Em muốn nhuộm”
“Nhuộm?”
“Dạ”
“Em muốn nhuộm màu gì?”
“Màu xanh”
Lam cười. Chị ta có khi đã nhuộm đến một trăm lẻ một màu khác nhau rồi đấy chứ. Mà chị ta vẫn cười.
“Xanh kiểu gì?”
“Kiểu trên trần nhà trong buồng gội đầu ấy”
Chị ta lại cười.
Người ta bôi lên trên tóc Thanh một thứ thuốc mà chỉ hai tiếng sau, màu đen nguyên thủy của mái tóc Thanh hoàn toàn bay mất. Đến mười giờ tối, họ tẩy xong đợt thứ ba. Khách trong tiệm chỉ còn mỗi mình Thanh. Lam giải thích, vì tóc Thanh chưa nhuộm lần nào nên rất khó làm sáng để bôi thuốc nhuộm lên. Và thế là Thanh lại ngồi đợi đợt tẩy thứ tư. Bước vào đợt tẩy thứ tư, tiệm chỉ còn Thanh, Lam và một cô nhân viên phụ việc.
“Em ăn gì không? Để chị gọi”
Rốt cuộc thì cũng có một câu chuyện khác ngoài mái tóc. Mà nếu nhớ không lầm thì đây là lần hiếm hoi Thanh và chị Lam nói chuyện với nhau kiểu thế.
“Không, em đang ăn kiêng”
“Em đã xem phim Blue is the warmest colour chưa?”
“Coi rồi, em yêu lắm, cả hai cô gái…”
Tự dưng họ im lặng. Lam vẫn ngồi chỗ cái ghế cách Thanh chừng hai mét, nhưng đã nhìn ra hướng khác. Thanh khựng lại, bỗng thấy trời đã thật muộn và mình ở đây đã thật lâu. Gần mười tiếng từ đầu giờ chiều tới lúc này không sao, vậy mà chỉ sau năm phút câu nói ấy trôi qua, mọi thứ trở nên thừa thãi. Thanh liếc nhìn Lam qua gương, nhiều năm rồi, chị ta vẫn cứ giữ nét mặt bẽn lẽn tựa trẻ thơ.
Người ta lại đưa Thanh vô buồng gội đầu xả nước. Tóc cô đã đủ sáng để thực hiện bước thứ hai.
“Em có bao nhiêu cuộc tình rồi?”
“Chị lại đây gần em ngồi, em sẽ nói chị nghe”
Cô nhân viên thôi không sấy tóc cho Thanh nữa. Cô đưa máy sấy lại cho Lam rồi bảo rằng mình cần đi chợp mắt một lát, khi nào đi xả tóc thì cô sẽ dậy. Lúc Lam đi về phía Thanh, tóc Thanh đã gần khô.
Lam lại đeo bao tay vào. Cả hai cứ giữ im lặng mãi thế trong khi Lam chăm chú quết màu lên tóc Thanh. Cái không khí ấy, nó rõ ràng là động thái trì hoãn của một tâm trạng nôn nao, để ngắm nghía cái khoảnh khắc người ta bối rối.
“Ba người. Còn chị?”
“Chị giờ chỉ quan tâm đến công việc, và cảm thấy vui vì nó”
……
“Em có thích một mình không?”
“Em hay một mình”
“Những lúc một mình, em làm gì?”
“Em xấu hổ”
1 giờ 30 sáng, tóc Thanh đã có màu.
***
Có lần nào đó, Thanh nằm bên Phong. Cô ngước lên trần, đã cách đôi mắt Phong một đoạn đủ xa, để loáng thoáng nhìn thấy những dải màu xanh lượn sóng cuộn vào nhau. Để ngửi được mùi dầu hấp nhơm nhớp trong lòng bàn tay ấy, đôi bàn tay mà ngay cái công đoạn cuối cùng, lúc người ta mang tóc cô đi xả nước lần chót, đã vuốt mái tóc Thanh thật buồn bã. Cô nhân viên phụ việc quay người đi lấy hoặc cất đồ gì đấy, rồi cô ta trở lại với đôi bàn tay khác. Và hình như có lần, Thanh đã đưa tay chạm vào bàn tay nọ, khi mắt cô vẫn đang khép hờ giữa bóng tối dịu êm. Một lần nữa, rãnh ngực Thanh nhói lên.
Thanh đi điều trị rồi. Bác sĩ yêu cầu cô ngưng sử dụng rượu và tốt hơn là, tuyệt đối không được tiệc tùng gì nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.