Không ai cấm con nhà giàu học giỏi !

05/05/2012 03:23 GMT+7

Có nhiều con đường để đi đến đích. Bằng phẳng có, gập ghềnh có, chông gai có, kịch tính cũng có. Tùy vào hoàn cảnh và thực tế mà bằng cách này hay cách kia, người ta có thể đến đích, mà cũng có thể không.

Có nhiều con đường để đi đến đích. Bằng phẳng có, gập ghềnh có, chông gai có, kịch tính cũng có. Tùy vào hoàn cảnh và thực tế mà bằng cách này hay cách kia, người ta có thể đến đích, mà cũng có thể không. 

 Không ai cấm con nhà giàu học giỏi !
Niềm vui của Man.City trong trận thắng M.U tại Etihad - Ảnh: AFP

Ở châu Âu, mùa bóng đang đến hồi kết thúc này bị nhiều người chê kém hấp dẫn nhưng sự kịch tính thì có lẽ khó mùa bóng nào sánh được. Từ Bundesliga cho tới Serie A hay Premier League, đội vô địch hoặc đang dẫn đầu hiện nay (Borussia Dortmund, Juventus, Man.City) đều đã từng có lúc bị đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình (Bayern Munich, AC Milan, Manchester United) “dẫn trước” đến 8 điểm. Vậy mà họ đã hoặc đang làm được cái mà người ta gọi là “lội ngược dòng thành công”. La Liga là trường hợp ngoại lệ vì Barcelona đã thất bại trong sứ mệnh tương tự ngay ở rào cản cuối cùng.

Ở ba trong bốn giải hàng đầu châu Âu này, hai đội dẫn đầu đều có dịp gặp nhau trực tiếp trong khoảng 5 vòng đấu cuối cùng với khoảng cách có thể san lấp được. Nhưng Bayern gục ngã trước Dortmund, còn Barca thì bị bẻ càng ngay tại Camp Nou, duy chỉ có Man City ngược dòng gần… thành công vì cái đích vẫn còn cách hai sải với.

Cuộc “đọ súng” của Man.City và M.U như trò tỷ thí chuyền tay nhau khẩu ru lô chỉ còn một viên đạn chĩa vào đầu đối phương để xem ai là người cuối cùng gục ngã (vì cả hai lần lượt đánh mất lợi thế 8 điểm mênh mông) - lại rất giống với chuyện siêu kinh điển ở Tây Ban Nha. Nhưng dĩ nhiên, đoạn kết có khác. Đâu là sự khác biệt giữa thành công (tạm thời) của Man.City và thất bại (đã xác định) của Barca?

Cả hai đã cùng đi trên một con đường bị đối phương dẫn trước 8-10 điểm, thậm chí Roberto Mancini còn học Pep Guardiola ở cái “chiêu” tuyên bố đầu hàng khi giải chỉ còn lại 6 vòng đấu. Điều đó khiến Real và M.U có phần chủ quan nên lần lượt sẩy chân để đưa hai giải đấu hàng đầu thế giới đến với tình huống trong mơ đối với một giải đấu kéo dài 38 vòng: trận chung kết không chính thức.

Ở hai trận chung kết đó, Real ở cùng tình huống với M.U - nghĩa là bảo vệ lợi thế về điểm số của mình ngay trên sân đối phương. Còn Man.City và Barca trong vai những kẻ rượt đuổi. Man.City  đã “túm” được đối thủ để vượt qua trong khi Real rũ bỏ được cái bóng đeo đuổi sau lưng mình để tiếp cận với vinh quang.

Vì sao? Vì M.U bị rượt nhưng không chạy. Họ sợ vấp ngã. Real Madrid cũng bị rượt, nhưng họ đã chạy, thậm chí tăng tốc ngay từ những mét đầu tiên. Và đó là sự khác biệt. Nếu làm được như Real, M.U giờ đây đã có thể đăng quang chỉ với một trận hòa.

Còn lại, xin ngả mũ trước Mancini và Man.City dù mùa này họ có trở thành nhà vô địch hay không. Người ta cứ có ác cảm với Mancini và Man.City như thể đó là một đứa con nhà giàu, không bao giờ được đánh giá đúng mức trong những kỳ thi cử. Trận Man.City thắng M.U đủ để chứng tỏ họ cũng có bản lĩnh “vượt khó” như bao “trò nghèo” khác? Việc san lấp 8 điểm cách biệt cũng cho thấy họ có đủ sự kiên trì như bao kẻ tìm cơ hội khác? Hay hình ảnh “khẩu chiến” và “khẩu hình chiến” giữa ông Alex Ferguson và Mancini đã lột tả được tinh thần bước ra ánh sáng và gào to “Xin chào thế giới” của cả Roberto Mancini và Man.City?

Trong lúc hít một hơi thật sâu để suy nghĩ về hệ quả của mùa giải năm nay đối với các đội bóng liên quan, tôi bất chợt nghe loáng thoáng ở bàn bên cạnh: “Nói vậy thôi chứ cũng chưa chắc đâu!”. Quay sang nhìn, tôi bắt gặp một chiếc áo màu xanh nhạt có dòng chữ “Etihad” trước ngực.

Có lẽ, đó chính là câu trả lời.

Lý Chánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.