Khốn khổ vì 'bão' giá vật liệu xây dựng

Mai Phương
Mai Phương
11/06/2022 06:38 GMT+7

Xi măng, sắt thép , gạch cát... đồng loạt tăng giá từ đầu năm đến nay khiến từ người dân đến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Hàng loạt dự án công, tư cho đến nhà đơn lẻ của người dân đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Liên tục đi lên

Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, giá bán xi măng trong nước tăng từ 40.000 - 80.000 đồng/tấn do áp lực giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, giá xi măng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với quý 4/2021. Tương tự, trong tháng 5, các loại vật liệu xây dựng (VLXD) khác như cát vàng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/m3; gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh, sỏi xây dựng tăng khoảng 10.000 đồng/m3. Giá các mặt hàng trang trí nội thất tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu tháng 4.

Riêng “bão giá” thép trong quý 1/2022 đã khiến nhiều chủ đầu tư choáng váng khi cuối tháng 3 lên gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021. Từ cuối tháng 4 đến nay, giá sản phẩm này hạ nhiệt khi nguyên liệu đầu vào sụt giảm. Dù vậy, giá sắt thép cũng đang duy trì từ 18 - 18,4 triệu đồng/tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kịp vội mừng trước tín hiệu hạ nhiệt, thì theo dự kiến của một số công ty thép, từ giữa tháng 6 có thể giá sản phẩm này sẽ tăng trở lại khoảng 300.000 đồng/tấn, do giá nguyên vật liệu thế giới đã bắt đầu tăng trong tuần qua khi Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch Covid-19 giúp nhu cầu của thị trường lớn nhất thế giới này hồi phục.

Bộ Xây dựng nhận định, dù đang chịu áp lực dư cung nhưng ngành xi măng phải đối diện với chi phí đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất đầu vào như than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng.

Than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng nhưng giá than tăng rất mạnh. Cơ quan này dự báo trong các quý tiếp theo khả năng các loại vật liệu này còn có thể tiếp tục tăng giá.

Vật liệu xây dựng tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay

Gia Hân

Nhà dân, công trình hạ tầng... đều chới với

Giá các loại VLXD tăng vọt khiến nhiều người dân có kế hoạch xây dựng nhà cửa cũng đắn đo, suy đi tính lại. Năm trước khi chuẩn bị xây nhà thì Covid-19 ập đến khiến gia đình anh Quốc Hùng (ở Q.Tân Phú, TP.HCM) phải tạm ngừng và lên kế hoạch cho năm 2022.

Sau Tết, loay hoay dọ giá thì càng hoảng. Ban đầu nhà thầu báo 4 triệu đồng/m2 cho xây thô thì đến cuối tháng 3 đã báo lại lên 4,4 triệu đồng/m2. Lo nguy cơ càng kéo dài giá càng tăng nên anh Hùng chốt luôn hợp đồng trọn gói. Dù vậy, so với dự toán ban đầu, tổng chi phí cũng tăng thêm gần 100 triệu đồng cho phần xây thô.

“Chưa tính đến vật tư hoàn thiện chắc còn ác liệt hơn vì hầu như loại nào cũng tăng theo như cửa, thiết bị điện, gạch... Mình dự trù sẽ tốn thêm 200 - 300 triệu đồng cho căn nhà so với năm trước. Mong là từ nay đến lúc xong nhà thì giá chỉ dừng ở đây thôi”, anh Quốc Hùng lo lắng.

Theo ông Lương Ngọc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nam (TP.HCM), giá sắt thép trong tháng 5 có giảm sau khi đã tăng cao nhưng xi măng, cát, gạch, sỏi... đều đồng loạt tăng. Song song đó, lương thợ chính từ 500.000 đồng/người/tháng cuối năm vừa qua nay lên 550.000 đồng/người/tháng; thợ phụ từ 350.000 đồng/tháng nay lên 400.000 đồng/tháng.

“Trong xây dựng nhà ở, vật tư phần thô như sắt thép, xi măng, gạch cát chiếm 30% tổng chi phí, nhân công chiếm 30% giá trị công trình và 40% còn lại là vật tư hoàn thiện. Giá xây dựng nhà ở riêng phần thô năm 2021 từ 3,6 - 3,8 triệu đồng/m2 thì nay lên 4,4 - 4,5 triệu đồng/m2 là vì thế”, ông Tuấn phân trần.

Trong xây dựng nhà ở, vật tư phần thô như sắt thép, xi măng, gạch cát chiếm 30% tổng chi phí, nhân công chiếm 30% giá trị công trình và 40% còn lại là vật tư hoàn thiện. Giá xây dựng nhà ở riêng phần thô năm 2021 từ 3,6 - 3,8 triệu đồng/m2 thì nay lên 4,4 - 4,5 triệu đồng/m2 là vì thế.

Ông LƯƠNG NGỌC TUẤN (Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nam)

Đáng lo hơn, “bão giá” VLXD đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình hạ tầng theo vốn ngân sách. Theo báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (GTVT) và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT, từ thời điểm ký hợp đồng (quý 4/2020 - 1/2022) các loại nhiên liệu, vật liệu có biến động giá lớn, nhất là đất, đá, nhựa đường, xi măng, sắt thép, xăng dầu. Mức tăng trung bình một số vật liệu chính như: đất đắp nền tăng khoảng 30 - 40%; cát tăng khoảng 25%; đá tăng khoảng 25 - 30%; nhựa đường tăng khoảng 15 - 20%; xi măng tăng khoảng 20 - 25%, thép tăng khoảng 30 - 40%; dầu diezen tăng khoảng 30 - 50%... Do biến động giá, nên giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp dự kiến tăng khoảng 12 - 18%.

Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, cho hay ông vừa có một chuyến công tác khảo sát ở Úc. Do ảnh hưởng của cơn sốt giá các loại VLXD mà nhiều công ty xây dựng gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp nằm trong top 10 lớn nhất của nước này cũng bị phá sản do không có quy định điều chỉnh giá. Thông thường, các nhà thầu sau khi ký hợp đồng xây dựng cũng sẽ chốt mua vật tư. Tuy nhiên, giá các loại vật liệu tăng quá nhanh nên đối tác cung ứng cũng không thể giữ đúng cam kết khiến nhà thầu thiếu nguyên vật liệu hoặc buộc phải mua với giá cao hơn. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng bù đắp chênh lệch giá nên sẽ bỏ công trình. Đây là vấn đề đau đầu không phải của riêng VN mà còn tại nhiều quốc gia nên các nhà thầu vẫn mong được nhà nước xem xét hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là để tiến độ các dự án công được hoàn thành theo đúng kế hoạch.

“Bão” giá vật liệu xây dựng đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình

Ngọc Thắng

Cho điều chỉnh giá nhưng phải giám sát

Giá nguyên VLXD tăng quá mạnh cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án đầu tư công bị chậm tiến độ vì không thể giải ngân.

Trả lời phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hộp sáng 9.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết do ảnh hưởng xăng dầu, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên VLXD tăng đột biến. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ, đồng thời tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý Thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung về hợp đồng xây dựng. Trong đó hiệp hội có kiến nghị đối với các hợp đồng xây dựng có giá trị vật tư lớn, đề nghị đưa vào nội dung Thông tư cho phép chủ đầu tư tăng mức độ tạm ứng hợp đồng lên đến 30 - 35% để tạo điều kiện cho nhà thầu thực hiện. Khi đó, nhà thầu thi công xây dựng có điều kiện mua dự trữ vật tư, VLXD nhằm giảm thiểu sự tác động của tăng giá vật tư, VLXD trong trường hợp có biến động lớn về giá khi thực hiện.

Theo quy định, các dự án có quy mô lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá theo thông báo giá của địa phương. Tuy nhiên, thực tế là giá biến động nhanh nhưng thông báo giá của địa phương từ 1 - 3 tháng nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu. Vì vậy Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương cần cập nhật thông báo giá sớm hơn, chậm nhất là một tháng/lần để cập nhật biến động giá kịp thời. Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại VLXD hằng tháng, đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ảnh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng; xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại VLXD hằng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ...

Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cho rằng VN đã có quy định cho phép điều chỉnh giá với các dự án lớn thì thực hiện ngay bởi những lý do khách quan như xung đột quân sự Nga - Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao, chi phí vận chuyển nhảy vọt là vượt qua dự báo của hầu hết công ty. Nhưng để tránh hiện tượng “té nước theo mưa” thì cần phải giám sát kỹ.

“Chúng ta phải thực hiện đúng theo luật Đấu thầu khi lựa chọn các đơn vị thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng sử dụng vốn ngân sách. Từ đó đảm bảo loại bỏ những nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực nhưng vẫn cố tình bỏ thầu giá thấp để trúng thầu sau đó lại nêu ra nhiều khó khăn để xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Bởi đúng quy luật thị trường thì cứ theo hợp đồng đã ký và thực hiện. Doanh nghiệp khi đã tham gia đấu thầu thì lời ăn lỗ chịu. Điều đó buộc các đơn vị khi tham gia đấu thầu bất kể dự án nào cũng phải tính rất kỹ bài toán thực hiện để làm sao có lãi, trong đó phải tính cả đến biến động rủi ro về giá đầu vào trong quá trình thực hiện”, chuyên gia Đỗ Hòa nói.

Một số dự án đầu tư công bị chậm do giá vật liệu xây dựng tăng cao

Ái Châu

Đồng quan điểm, TS Dương Như Hùng - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - phân tích việc giá VLXD tăng cao là một trong rủi ro về giá trong bất kỳ thực hiện dự án nào. Trong tình hình chung hiện nay khi giá nguyên vật liệu thế giới đều tăng cao thì VN cũng không thể kiểm soát được nên phải chấp nhận. Do vậy, rủi ro này phải được Chính phủ chia sẻ với các nhà thầu khi triển khai các dự án xây dựng nói chung hay hạ tầng, giao thông nói riêng. Nếu không có sự điều chỉnh theo sát thực tế thì tình trạng nhà thầu bỏ công trình gây đình trị các dự án càng khiến cả nền kinh tế bị thiệt hại. Về nguyên tắc thì khi có biến động giá mạnh như thời gian qua, các địa phương phải cập nhật ngay bảng giá mới thay vì cập nhật định kỳ như trước. Nhưng để hạn chế tình trạng bắt tay “thổi giá” hoặc do năng lực của cán bộ thực hiện ở địa phương không đủ thì phải có sự tham gia của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính trong việc công bố giá VLXD để làm cơ sở điều chỉnh giá cho các dự án đầu tư công.

TS Dương Như Hùng nhấn mạnh: Việc điều chỉnh giá VLXD có liên quan đến vốn đầu tư của cả dự án nên phải có sự kiểm soát và công khai minh bạch để hạn chế trục lợi, thao túng giá. Việc cập nhật giá các loại VLXD hiện nay không phải là khó khi các công ty sản xuất, phân phối đều có thông báo giá rộng rãi và thường xuyên. Vấn đề là sự phối hợp, quyết tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc nói chung của địa phương để thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án công hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.