Khốn cùng chỉ vì miếng pate chay

Lê Lâm
Lê Lâm
02/01/2021 12:03 GMT+7

Chỉ vì ăn miếng pate chay nhỏ, mà chị Nguyễn Thị Thùy (20 tuổi, ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) phải trải qua một trận thập tử nhất sinh, kinh tế kiệt quệ vì phải trả viện phí.

Ăn miếng pate, thở máy 3 tháng

Sau gần 4 tháng nằm viện điều trị do ăn pate chay, cuối tháng 11.2020, chị Thùy được xuất viện về nhà. Rồi từ hôm đó đến nay, cứ đều đặn 1 tuần 5 ngày (trừ thứ bảy và chủ nhật), chị phải nhọc nhằn lê từng bước chân từ căn phòng trọ đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để tập vật lý trị liệu. Vì sau 3 tháng phải thở máy, chức năng nhai, nuốt của chị Thùy bị vô hiệu hóa, ăn uống phải qua đường ống; tay chân yếu ớt, cơ teo tóp, bác sĩ nói phải mất ít nhất vài tháng tập vật lý trị liệu để hồi phục. Từ cô gái khỏe mạnh, nặng 53 kg, nay chị chỉ còn 39 kg.
Theo lời chị Thùy, vào ngày 24.7, trong bữa cơm trưa, chị được người bạn trong công ty đưa cho hũ pate Minh Chay đã khui. “Do mùi vị không ngon nên tôi và 2 người bạn chỉ múc một miếng nhỏ để ăn. Tuy nhiên, sáng hôm sau ngủ dậy, tôi cảm thấy người mệt mỏi, lúc ăn cơm vào thì ói ra hết. Người nhà đưa tôi đến một phòng khám trên địa bàn H.Nhơn Trạch truyền nước biển, vài tiếng sau thấy đỡ hơn nên về nhà”, chị Thùy kể lại.
Đến ngày 26.7, mọi việc bắt đầu có vẻ nghiêm trọng, người lả đi, tay chân yếu ớt, ăn vào tiếp tục ói, lần này chị được đưa đến Trung tâm y tế H.Long Thành (Đồng Nai). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn tiền đình và trào ngược dạ dày. Sang đến chiều tối hôm sau (27.7), thấy tình hình không ổn, người nhà đưa chị lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để chữa trị.
“Khoảng 19 giờ, xe dừng ở phòng cấp cứu thì em nó bắt đầu hôn mê. Sau khoảng 5 tiếng chờ đợi, bác sĩ gọi người nhà vào và cho biết tình hình nguy kịch sẽ chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, trên đường đi có thể bất trắc xảy ra. Nghe xong, tôi và mẹ bần thần, lo sợ, không hiểu chuyện gì lại xảy ra tồi tệ đến vậy”, anh Tưởng (anh trai chị Thùy) kể lại. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy 2 ngày, chị tỉnh lại và khai lịch sử ăn uống, góp phần giúp bệnh viện xác định được nguồn gốc ngộ độc là do pate Minh Chay và có hướng điều trị thích hợp.
Khốn cùng chỉ vì miếng pate chay1

Hình ảnh chị Thùy đi biển vào giữa tháng 7.2020, khi chưa bị ngộ độc

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Tiêm mũi thuốc tốn 8.000 USD

Sau gần 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh tình có thuyên giảm nên chị được chuyển về lại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp tục điều trị. Nhớ lại quãng thời gian nằm ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (gần 3 tháng), chị Thùy kể: “Những ngày đầu tỉnh dậy tôi thấy đầu óc tỉnh táo, đôi mắt mở được, ai nói gì cũng nghe hết nhưng tay chân lại không cử động được, không nói được”. Bà H.T.L (mẹ Thùy) cho biết: “Có hôm nó muốn nói chuyện với cô mà cứ ú ớ trong miệng, cô nghe có hiểu gì đâu, bèn đưa điện thoại cho nó nhắn tin mà nó thao tác chậm, đến khi nhắn tin xong thì vừa hết giờ thăm nuôi luôn”.
Sang tháng thứ 2, nhờ công dụng của liều thuốc 8.000 USD bắt đầu có tác dụng, giúp mắt chị mở to hơn, tay chân cử động được. Để giúp chị bớt nhàm chán, các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đã thương tình cho mượn điện thoại để chị xem phim, lướt Facebook, nhờ vậy mà bàn tay chị linh hoạt hơn, một phương pháp vật lý trị liệu vô tình nhưng hiệu quả. Sau 3 tháng ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ngày 24.11, chị Thùy được xuất viện trở về nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trong 3 bệnh nhân ngộ độc do cùng ăn chung miếng pate Minh Chay, thì chị Thùy bị nặng nhất, buộc phải tiêm mũi thuốc giải độc Clostridium botulinum. Hiện tại, 2 người kia đã ăn uống được, còn chị Thùy phải đưa thức ăn qua đường ống và chỉ mới được rút ống truyền thức ăn vào ngày 28.12.2020, đồng thời cho về nhà tự tập vật lý trị liệu.
Người nhà chị Thùy cho hay tổng chi phí điều trị trong 4 tháng là hơn 300 triệu đồng. Gia đình chị mới từ Thanh Hóa vào Đồng Nai lập nghiệp, hoàn cảnh khó khăn. “Để điều trị cho em tôi, gia đình phải hỏi vay tiền nhiều nơi. Lúc sự việc mới xảy ra phía công ty sản xuất Pate Minh Chay có vào thăm và ngỏ ý hỗ trợ trước 20 triệu đồng. Nhận thấy số tiền quá ít ỏi so với thiệt hại mà gia đình gánh chịu nên tôi không đồng ý nhận. Nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, phía công ty cũng tỏ ra quan tâm, hứa sẽ cố gắng vay mượn tiền gửi vào. Tuy nhiên đến ngày 23.10, thấy công ty im lặng quá  lâu, tôi mới nhắn tin hỏi thì nhận được câu trả lời: “Có gì thì làm việc với cơ quan chức năng nhé anh. Làm gì cũng có luật rồi. Đến khi nào cơ quan điều tra kết luận, công ty sẽ làm theo sự chỉ đạo của cơ quan chức năng”, anh Tưởng trình bày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.