Khởi tố Vũ 'nhôm' và các cựu giám đốc liên quan đến vụ mua bán công sản

10/08/2018 08:22 GMT+7

Phan Văn Anh Vũ (Vũ 'nhôm') và các cựu giám đốc, giám đốc ở TP.Đà Nẵng bị khởi tố do liên quan đến hành vi mua bán đất công sản.

Hôm qua 9.8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với 5 bị can, gồm: Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và các cựu giám đốc, giám đốc ở TP.Đà Nẵng do liên quan đến hành vi mua bán đất công sản.
Cụ thể, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP.Đà Nẵng (theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-C44-P4 ngày 17.4.2018), ngày 8.8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can: Nguyễn Công Lang (64 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng), Phan Ngọc Thạch (57 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP du lịch Đà Nẵng), Trần Phi (63 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng), Huỳnh Tấn Lộc (66 tuổi, Tổng giám đốc Công ty công nghệ phẩm Đà Nẵng). Cả 4 bị can Lang, Thạch, Phi, Lộc đều trú tại Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng và bị khởi tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng ngày, Viện KSND tối cao đã có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên. Các bị can này có liên quan đến hành vi mua bán nhà, đất công sản của Vũ "nhôm" tại TP.Đà Nẵng.
Cũng trong ngày hôm qua, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với công an địa phương tổ chức khám xét nhà riêng của các bị can.
Đáng chú ý, Công an P.Hòa Cường Bắc (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết ông Phan Ngọc Thạch cư trú tại số nhà 60 Châu Thượng Văn nhưng đã bị câu lưu ra Hà Nội từ 1 tuần trước để phục vụ điều tra. Tại nhà 14 Thanh Sơn (P.Thanh Bình, Q.Hải Châu), nhà riêng của ông Huỳnh Tấn Lộc, khi cơ quan chức năng khám xét chỉ có mẹ ông đang đau ốm; hàng xóm cho hay không thấy ông Lộc xuất hiện nhiều ngày qua, vợ ông Lộc cũng đi vắng. Tương tự, ông Trần Phi và Nguyễn Công Lang cũng đã bị triệu tập ra Hà Nội để làm việc nhiều ngày qua.
Chuyển nhượng công sản không qua đấu giá
Đây là thủ đoạn chính của việc chuyển nhượng các nhà đất công sản dẫn đến hành vi phạm tội của 4 lãnh đạo các công ty bị truy tố ở trên. Theo đó, để thâu tóm các nhà đất công sản, Vũ “nhôm” đã mượn tay các công ty trên để xin mua lại đất mà không thông qua đấu giá. Sau đó với chiêu bài hợp tác liên doanh, các nhà đất này tiếp tục được chuyển nhượng cho Vũ “nhôm” và các công ty con nhằm trốn thuế, làm lợi bất chính và gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Đơn cử phải kể đến 3 dự án nhà công sản của Công ty CP công nghệ phẩm Đà Nẵng do ông Huỳnh Tấn Lộc làm Tổng giám đốc. Ngày 16.2.2008, đơn vị này có công văn xin chuyển quyền sử dụng đất với 4 mặt bằng do công ty quản lý, trong đó có khu đất tại 57 Lê Duẩn và 37 Pasteur. UBND TP.Đà Nẵng sau đó đã có các văn bản đồng ý chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) với tổng giá trị chuyển nhượng lần lượt là 62,7 tỉ đồng và 19,9 tỉ đồng, và giảm thêm 10% sau đó vì lý do nộp đầy đủ tiền trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có quyết định.
Đáng chú ý, nhà đất 37 Pasteur được UBND TP ký quyết định đồng ý chuyển nhượng ngày 13.10.2010 thì sau đó 8 ngày, Công ty CP công nghệ phẩm có Tờ trình số 60 đề nghị đổi tên đơn vị nhận chuyển QSDĐ tại số 37 Pasteur cho cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ với lý do hợp tác liên doanh đầu tư. Sau khi được TP đồng ý, ngày 16.11.2010, Công ty quản lý nhà có biên lai thu tiền số 0037341 thu tiền đối với khu đất này. Đối với khu đất 57 Lê Duẩn cũng được thực hiện theo phương thức tương tự và tiếp tục được chuyển nhượng cho chủ mới vào 2011. Cơ quan chức năng cũng xác định có bàn tay của Vũ “nhôm” đứng sau thương vụ này.
Vẫn với chiêu bài quen thuộc trên, Vũ “nhôm” trực tiếp hoặc đứng sau các thương vụ chuyển nhượng nhà đất không thông qua đấu giá của Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng thời ông Trần Phi làm Tổng giám đốc gồm nhà đất 89 Hùng Vương, 34 Hoàng Văn Thụ và 106 Trần Phú. Vụ chuyển nhượng nhà đất số 89 Hùng Vương năm 2004 có thể nói là thương vụ biến hóa nhà đất công sản khá sớm của nhân vật này. Nhà đất 106 Trần Phú (năm 2008), 34 Hoàng Văn Thụ (2009) cũng được Vũ “nhôm” bắt tay với Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng xin được chuyển nhượng nhà đất trên không thông qua đấu giá để rồi cuối cùng, tất cả đều rơi vào tay Vũ “nhôm” và các công ty con. Đáng chú ý ở việc chuyển nhượng với nhà đất 34 Hoàng Văn Thụ, hợp đồng mua bán giữa Công ty quản lý nhà và Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng có cùng thời điểm với tờ trình xin đổi tên đơn vị nhận QSDĐ qua cho Công ty TNHH I.V.C (của Vũ “nhôm”), cùng ngày 6.7.2009.
Trong cú bắt tay tiền tỉ giữa Vũ “nhôm” với Công ty CP du lịch Đà Nẵng (Dana tour, do ông Phan Ngọc Thạch làm Tổng giám đốc) năm 2010 ở nhà đất 100 Bạch Đằng, từ 2 tỉ đồng theo giá chuyển nhượng đến khi chính thức sang tay Vũ “nhôm”, đã có giá thị trường cao gấp 10 lần!
Điều đáng nói, các nhà đất công sản nằm ở vị trí đắc địa thuộc Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng được mua bán sang tay bởi các Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty CP du lịch Đà Nẵng, Công ty công nghệ phẩm Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ 2004 - 2012 đều có trách nhiệm trực tiếp của Công ty quản lý nhà thời kỳ ông Nguyễn Công Lang làm giám đốc. Đây là đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng có chức năng quản lý các loại nhà thuộc sở hữu nhà nước, có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích làm việc, sản xuất, kinh doanh và để ở trên địa bàn TP.Đà Nẵng; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền cũng như tham mưu các cấp trong việc quản lý, mua bán chuyển nhượng các nhà công sản trên địa bàn.
Như vậy, sau 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, đến nay đã có tổng cộng 7 thuộc cấp của 2 ông bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an truy tố vì những sai phạm về nhà đất công sản, dự án liên quan đến Vũ “nhôm”.
Đề nghị khai trừ Đảng cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh
Thông tin từ Thành ủy Đà Nẵng cho biết chiều 9.8 Ban Chấp hành Đảng bộ TP tổ chức hội nghị với sự tham dự của Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên quan đến việc thực hiện quy trình kỷ luật đảng viên đối với cán bộ vi phạm pháp luật. Theo thông tin PV Thanh Niên có được, hội nghị đã nghe báo cáo những sai phạm của ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thời kỳ từ năm 2004 - 2011). Kết quả bỏ phiếu sau đó, đa số đại biểu đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Minh. Theo nguồn tin, do ông Minh nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó ban Tổ chức T.Ư nên việc kỷ luật sẽ do tổ chức Đảng cấp trên quyết định.
Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh về các hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015 và “vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại điều 229 bộ luật Hình sự năm 2015. Một cựu Chủ tịch UBND TP khác là ông Văn Hữu Chiến (giai đoạn 2011 - 2015) cũng bị Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú cùng với 2 hành vi nêu trên. Sai phạm của ông Minh và ông Chiến có liên quan đến Vũ “nhôm”.
Hoàng Sơn - Trần Hanh
Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng thời ông Trần Phi làm Chủ tịch HĐQT tham gia việc mua bán các nhà công sản 106 Trần Phú, nhà 34 Hoàng Văn Thụ, nhà 89 Hùng Vương. Công ty CP công nghệ phẩm Đà Nẵng thời ông Huỳnh Tấn Lộc làm Chủ tịch HĐQT tham gia việc mua bán các nhà công sản: 37 Pasteur, nhà 57 Lê Duẩn, nhà 121 Phan Châu Trinh. Công ty CP du lịch Đà Nẵng thời ông Phan Ngọc Thạch làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc tham gia việc mua bán nhà 100 Bạch Đằng. 7 nhà đất công sản này đều nằm trong số 31 nhà đất công sản bị Thanh tra Chính phủ và Cơ quan An ninh Bộ Công an thanh, kiểm tra từ trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.