Khởi tố thêm 2 bị can trong vụ 'đổi tiền lấy bằng' tại Trường đại học Đông Đô

Thái Sơn
Thái Sơn
03/06/2020 16:40 GMT+7

Mở rộng điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường đại học Đông Đô , Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 2 cán bộ của trường này.

Ngày 3.6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với bà Nguyễn Thị Huệ, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán Trường đại học Đông Đô và Ngô Quang Hiển, nhân viên Trường đại học Đông Đô, để điều tra về tội giả mạo trong công tác. Trong đó, bị can Ngô Quang Hiển được áp dụng biện pháp tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, ngày 15.5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã phát thông báo mở rộng điều tra vụ án và đề nghị các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường đại học Đông Đô bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện, khởi tố đầu tháng 8.2019. Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 8 bị can về tội giả mạo trong công tác, quy định tại điều 359, bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số này có ông Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên và một số đồng phạm khác. Đáng chú ý, bị can Trần Khắc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường đại học Đông Đô, đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Quá trình điều tra cho biết, lợi dụng nhu cầu văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ, một số cán bộ chủ chốt của Trường đại học Đông Đô đã thông đồng, chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các trung tâm để thu thập hồ sơ của những người có nhu cầu lấy nhanh bằng đại học chính quy nhưng không tham gia học, thu lợi bất chính số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
Trường đại học Đông Đô tổ chức các lớp văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh tốc độ nhanh (không tổ chức học, chỉ hoàn thiện các bài thi và cấp bằng)... Các lớp tiến độ nhanh không có thông báo tuyển sinh, việc tổ chức thi không thành lập hội đồng, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi.
Trong khóa học 2016 - 2018, đã có khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hình thức trên. Ngoài ra, các bị can trong vụ án cũng đã “giúp đỡ” nhiều cá nhân khác.
Trong đó, ông Trần Ngọc Quang thừa nhận đã giúp 8 trường hợp có bằng ngôn ngữ tiếng Anh mà không phải đi học, mỗi trường hợp từ 40 - 45 triệu đồng, bà Phạm Vân Thùy cũng "giúp đỡ" nhiều cá nhân khác với mỗi trường hợp hàng chục triệu đồng.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, cơ quan công an đã thu giữ trên 225 bản phô tô xác nhận văn bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh có đóng dấu treo của Trường đại học Đông Đô, là những văn bằng mà trường này cấp cho số học viên trong diện được hoàn thiện, hợp thức hồ sơ.
Được biết, các trường hợp sử dụng văn bằng đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để "nâng cao trình độ".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.