Khơi thông 'xương sống' cao tốc Bắc - Nam: Khó khăn bủa vây

13/07/2022 06:44 GMT+7

Dù cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được tạo cơ chế đột phá rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, song vẫn phải đối mặt với hàng loạt rào cản khó khăn nếu muốn về đích đúng tiến độ vào cuối 2025 đầu 2026.

Khan hiếm cát ĐBSCL

Ngày 11.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừngđất trồng lúa của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025). Ngay sau bước này, Bộ GTVT sẽ phê duyệt chính thức báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án, tạo tiền đề cho các bước tiếp theo như lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án. Mục tiêu công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) của các địa phương phải đảm bảo bàn giao 70% diện tích các gói thầu để khởi công trước ngày 20.11.2022.

Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, điểm thi công thuộc xã Hồng Liêm, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận (ảnh chụp ngày 10.7.2022)

Quế Hà

Song theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, dự án đang đối mặt với 2 khó khăn chính trong quá trình chuẩn bị là GPMB và nguồn vật liệu. Đặc biệt, cát xây dựng tại khu vực ĐBSCL rất khan hiếm, nguồn vật liệu cát đắp rất khó khăn, chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp với nguồn cung cấp rất hạn chế.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dù chỉ chiếm khoảng 15% chiều dài toàn tuyến, song các dự án thành phần chạy qua các tỉnh ĐBSCL lại là gút mắc lớn nhất do nhiều lý do, từ thiếu hụt nguồn cung vật liệu cát cho tới nền địa chất yếu.

Thực tế bài học bàn giao mặt bằng xôi đỗ của giai đoạn 1 là một trong các yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ dự án, dù mục tiêu ban đầu hoàn thành vào năm 2021 nhưng các dự án đã phải kéo dài tới 2023, thậm chí 2024. Dưới góc độ nhà thầu, đại diện Tập đoàn Đèo Cả lo ngại nếu không nhanh chóng nhìn nhận và lên phương án giải quyết những thách thức, rất khó để cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có thể “về đích” đúng kỳ vọng. Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, mong muốn Chính phủ và Bộ GTVT cần khắc phục những bất cập liên quan đến thiết kế, dự toán đã và đang gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Song song, tiếp tục triển khai hiệu quả phương án tổ chức GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu trước khi thi công. Nếu mặt bằng giao kiểu “xôi đỗ” thì khi nhà thầu triển khai sẽ mất rất nhiều thời gian. Máy móc, thiết bị, con người chờ vừa làm vừa chờ thì càng “chết”, khó lại chồng thêm khó.

Quan trọng nhất, theo ông Thắng, cần sớm xác lập phương án cho các nhà thầu để lên phương án chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đầu tư về nguồn lực. Công trình muốn làm chất lượng, đạt tiến độ thì doanh nghiệp (DN) phải có sự chuẩn bị đầy đủ về cả nhân lực và vật lực. Với chủ trương tăng tốc giải ngân đẩy mạnh đầu tư công để tạo đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, hàng loạt dự án hạ tầng lớn như tuyến vành đai 3 TP.HCM, tuyến vành đai 4 Hà Nội cùng nhiều công trình tại địa phương đồng loạt triển khai. Điều này sẽ kéo theo rủi ro thiếu nhân lực và máy móc, nguyên vật liệu xây dựng đã hiếm lại càng khan hiếm.

“Làm 1.000 km cao tốc còn ì ạch như vậy, nếu làm 5.000 km, khối lượng công việc và vấn đề phát sinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Chính phủ, Bộ GTVT cần xác lập phương án, lựa chọn sớm những nhà thầu còn “khỏe”, còn đủ năng lực để họ có sự chuẩn bị từ đào tạo công nhân, gom vật liệu cho tới các điều kiện phụ trợ khác. Với những khó khăn DN đang phải đối mặt ở giai đoạn 1 cũng như nhìn chung các vấn đề bất cập đối với các công trình hạ tầng thời gian qua, nếu không sớm xác định cho DN định hướng nhằm chuẩn bị thì sẽ rất khó để dự án triển khai thông suốt”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả lo ngại.

Lo mặt bằng ì ạch

Rất trông chờ và kỳ vọng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ sớm hoàn thành để “xóa trắng” cao tốc, tạo động lực phát triển toàn khu vực ĐBSCL, nhưng các địa phương vẫn còn khá bị động trong quá trình phối hợp triển khai dự án. Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm các dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang (dài 37,65 km, tổng mức đầu tư dự kiến 9.769 tỉ đồng) và Hậu Giang - Cà Mau (dài 73,63 km, tổng mức đầu tư dự kiến 17.485 tỉ đồng). Ðoạn Cần Thơ - Cà Mau dự kiến khởi công tháng 11 năm nay và hoàn thành năm 2025.

Làm 1.000 km cao tốc còn ì ạch như vậy, nếu làm 5.000 km, khối lượng công việc và vấn đề phát sinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Chính phủ, Bộ GTVT cần xác lập phương án, lựa chọn sớm những nhà thầu còn “khỏe”, còn đủ năng lực để họ có sự chuẩn bị từ đào tạo công nhân, gom vật liệu cho tới các điều kiện phụ trợ khác.

Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả

Thế nhưng, trao đổi với Thanh Niên chiều qua 12.7, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết công tác GPMB tại địa phương gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo đó, UBND TP giao UBND Q.Cái Răng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong tháng 3, Q.Cái Răng đã nhận bàn giao mốc 2,4 km (đợt 1) từ Ban QLDA Mỹ Thuận, làm kê biên, soát giá bồi thường; nhưng do chủ đầu tư chưa có tiền nên vẫn chưa thể tiến hành chi trả bồi thường, giải phóng các hộ dân. Theo kế hoạch, Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ giao địa phương cắm mốc đợt 2 cho dự án vào tháng 3. Sau đó, địa phương mới thực địa, cắm ranh mốc rồi thuê đơn vị đo đạc, tính toán ra chi tiết số hộ bị ảnh hưởng, diện tích khoảng bao nhiêu, tổng chi phí ra sao và xây dựng kế hoạch cụ thể. Song đến nay, UBND TP.Cần Thơ nhiều lần thúc giục nhưng vẫn chưa nhận được thông tin nên chưa thể tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Về phương án rà soát tài nguyên vật liệu xây dựng, chủ đầu tư thông tin với chiều dài khoảng 110 km cao tốc, dự án có nhu cầu sử dụng khoảng 17 triệu m3 vật liệu xây dựng, trong đó riêng cát đắp nền khoảng 13 triệu m3. Hiện TP.Cần Thơ có 9 mỏ cát; trong đó 3 mỏ cát đang hoạt động với sản lượng khoảng 2 triệu m3; 6 mỏ cát theo quy hoạch khoáng sản của TP.Cần Thơ theo quy định sẽ đấu giá, với sản lượng khoảng 5 triệu m3. Tuy nhiên, TP cũng vẫn phải chờ sau khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu, chọn ra nhà thầu, họ lên phương án về vật liệu thì mới tính toán được số lượng vật liệu xây dựng tại địa phương có thể đáp ứng được bao nhiêu.

“Giờ chưa tính toán được. Cát thì tùy theo từng mỏ, trữ lượng, tiêu chí cát để san lấp. Đơn cử, Cần Thơ có nhiều mỏ cát nhưng giả dụ tiêu chí hạt cát san lấp đường cao tốc có độ lớn ML=1.2 nhưng cát ở địa phương loại này ít thì DN cũng không sử dụng được. Hoặc giá địa phương khác rẻ hơn thì chủ đầu tư chọn mua chỗ khác, không nhất thiết mua vật liệu tại Cần Thơ để xây cao tốc ở Cần Thơ... Nói chung, cả công tác GPMB và vật liệu xây dựng đều vẫn đang chờ”, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè thông tin.

Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị, để đảm bảo nguồn cung, các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang cần rà soát, bổ sung các mỏ cát và triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác cũng như nâng công suất các mỏ hiện tại, đảm bảo nguồn cung dự án. Đặc biệt, để không ảnh hưởng đến tiến độ khi triển khai như giai đoạn 1, các địa phương phải khẩn trương chỉ định thầu các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.