Khôi phục kinh tế 'hậu chiến'

05/05/2020 04:30 GMT+7

Để nền kinh tế có thể phục hồi sau đại dịch Covid-19 thì cả chính quyền các cấp lẫn giới doanh nghiệp không chỉ cần các giải pháp quyết liệt mà còn phải có tư duy đột phá.

Theo thống kê sơ bộ của Hội Doanh nghiệp Q.1, TP.HCM, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch có lượng khách hàng và doanh thu giảm từ 80 - 90% so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp đóng cửa suốt nhiều tuần và chưa có kế hoạch hoạt động trở lại. Giờ đây, về cơ bản thì Việt Nam đang trên đà chiến thắng dịch bệnh, nhưng đến khi nào dịch bệnh kết thúc thì khó ai có thể trả lời.
Trong bối cảnh như vậy, để nền kinh tế có thể phục hồi thì cả chính quyền các cấp lẫn giới doanh nghiệp (DN) không chỉ cần các giải pháp quyết liệt mà còn phải có tư duy đột phá. Đột phá ở đây chính là những cách làm hoàn mới cho một giai đoạn “hồi phục kinh tế như sau thời chiến và sống chung với dịch” sắp tới. Cụ thể hơn, có 3 nhóm giải pháp mà nhiều đại diện DN đang mong mỏi.
Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và các điều kiện cụ thể để triển khai và áp dụng giải pháp hỗ trợ DN (về thuế, phí như thuế môn bài, thuế thu nhập DN...) trong từng lĩnh vực cụ thể; thay đổi hoàn toàn các bước cấp phép, thủ tục hành chính (về đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu...) bằng cách đưa ra các quy trình hành chính mới tối giản. Với thủ tục hành chính, không chỉ là giảm quy trình nào đó từ 5 xuống 4 hay 3 bước, mà cần phải có những chính sách ưu tiên mới, ví dụ như “phân luồng xanh” giảm thiểu thủ tục đối với các nhóm dự án ưu tiên như y tế, giáo dục... Thậm chí, như nhiều nước thì các nhóm dự án ưu tiên có thể được đăng ký thực hiện, đồng thời kết hợp hậu kiểm, xử lý nghiêm sai phạm.
Thêm vào đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và điều kiện cụ thể để cho phép các DN thuộc từng nhóm phân loại được sớm khôi phục hoạt động.
Ngoài ra, từ ảnh hưởng của Covid-19, chúng ta có cơ hội để nhìn rõ những bất cập trong cơ cấu của từng tổ chức, công ty, cả tỉnh thành hay phạm vi toàn quốc gia để tái cấu trúc, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào các nhóm ngành cần thiết và có ưu thế phát triển. Trong đó, tập trung vào các nhóm ngành quan trọng mang tính sống còn, cũng như những ngành mà Việt Nam có ưu thế như: sản xuất trang thiết bị y tế, dược phẩm và hệ thống dịch vụ y tế, bệnh viện; Nông nghiệp, chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối; Công nghệ thông tin, công nghệ tài chính ngân hàng (fintech) và thương mại điện tử…
Tất cả cần thay đổi đột phá về mặt tư duy để có thể đảm bảo hiệu quả của các giải pháp và chính sách, thúc đẩy cơ chế quyết định nhanh và trao quyền tự quyết cao hơn về cho các địa phương. Và tất nhiên, các lãnh đạo địa phương cần chủ động và dám chịu trách nhiệm, đừng đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền T.Ư và đặc biệt là đùn đẩy khó khăn cho người dân, DN.
T.Ư cũng nên cân nhắc cho phép TP.HCM, Hà Nội giữ lại nguồn thu ngân sách lớn hơn để phục vụ công tác khôi phục sản xuất kinh doanh và hỗ trợ DN, người dân và người lao động xem như khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Phải có những giải pháp đột phá, thoát ra khỏi lề lối cũ, chúng ta mới có thể phục hồi nền kinh tế đang bị tổn thương bởi cuộc chiến chống Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.