Khôi phục cây sắn nếp bản địa bằng đặc sản rau sắn muối chua

Minh Thùy
Minh Thùy
25/08/2023 19:00 GMT+7

Tốt nghiệp đại học, chàng cử nhân về quê vừa làm công tác Đoàn ở địa phương vừa quyết tâm khôi phục lại cây sắn nếp bản địa đã bị thất lạc bằng cách đưa món rau sắn muối chua thành món đặc sản và lan tỏa đến thực khách cả nước.

Nâng tầm món rau sắn muối chua

Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên Phạm Hùng Tuyến ở xã Thụy Liễu, H.Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đi học trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ Đoàn - Đội đồng thời học đại học nông lâm. Tốt nghiệp đại học, chàng cử nhân về quê vừa làm công tác Đoàn ở địa phương vừa quyết tâm khôi phục lại cây sắn nếp bản địa đã bị thất lạc bằng cách đưa món rau sắn muối chua thành món đặc sản và lan tỏa đến thực khách cả nước.

Cùng sống xanh số 46

Khi chọn làm rau sắn muối chua để cung cấp ra thị trường, ngay lập tức anh Tuyến bị gia đình, bạn bè và hàng xóm phản đối, chê bai cho rằng anh "dở hơi". Bởi món rau sắn muối chua ở quê anh ai cũng biết làm, nhà nào cũng có, hầu hết các chợ đều bán. Anh bày ra làm thì biết bán cho ai? Mặc dù vậy anh Tuyến vẫn quyết tâm làm. Không ai phụ thì anh làm một mình. Một mình đi hái rau sắn, một mình sơ chế, ngâm, ủ, một mình thiết kế mẫu mã, bao bì rồi tìm thị trường tiêu thụ. Mong ước của anh là có thể giúp người dân quê mình cải thiện đời sống bằng việc trồng sắn lấy rau, vì thu nhập cao hơn trồng sắn lấy củ.

Để có món rau sắn muối chua ngon, thơm, đặc biệt theo vị của miền đất Tổ Phú Thọ, anh Tuyến đã tự mình nghiên cứu, thử qua nhiều loại rau sắn trong vùng để tìm ra loại nguyên liệu đem đến hương vị đặc trưng nhất. Trời không phụ người, 6 tháng liền cứ làm rồi thử, từ việc thu hái, chế biến cho đến khâu ra thành phẩm, giải pháp bảo quản và vận chuyển, cuối cùng anh Tuyến đã tìm ra loại nguyên liệu như ý là cây rau sắn nếp bản địa. Loại cây này đã bị mai một theo quá trình canh tác của người dân.

Khôi phục cây sắn nếp bản địa bằng cách nâng tầm món rau sắn muối chua  - Ảnh 1.

Anh Phạm Hùng Tuyến hướng dẫn nông dân cách hái rau sắn

Minh Thùy

Khôi phục cây sắn nếp bản địa tạo việc làm cho dân địa phương

Với cách làm bài bản, chi tiết, tìm tòi nghiên cứu tỉ mỉ để có được sản phẩm đặc trưng nguyên vị nên rau sắn muối chua của anh Tuyến đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là cơ sở để anh Tuyến phát triển sản phẩm và vận động người dân tham gia trồng sắn. Lúc này người dân trong vùng đã tin rằng món ăn dân dã đã được công nhận và đi xa hơn lũy tre làng. Nhiều người đã đăng ký trồng sắn theo qui cách của anh Tuyến để tạo vùng nguyên liệu sạch, thuần hữu cơ đảm bảo tuyệt đối cây không dùng phân thuốc hóa học, giữ chất lượng an toàn cho người dùng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, dịch Covid-19 xảy ra khiến cho con đường vận chuyển lẫn việc sản xuất của hợp tác xã do anh Tuyến làm chủ gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, rau sắn muối chua là món hàng có rau kèm nước nên khi vận chuyển đi xa bằng dịch vụ vận chuyển công cộng dễ gây vỡ bịch, xì nước. 

Anh Tuyến chia sẻ: "Những năm đại dịch Covid diễn ra, cơ sở của tôi mới thành lập. Thị trường chưa có nhiều. Việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Lúc đầu chúng tôi chưa có kinh nghiệm. Rau sắn là một sản phẩm gồm cả nước, đóng gói hút chân không, nhưng quá trình hút chúng tôi chưa điều chỉnh được nhiệt độ hợp lý. Chính vì vậy khi vận chuyển nó bị vỡ túi, nước chảy ra, đến nơi khách hàng không nhận thì phải quay đầu. Toàn bộ chi phí đấy chúng tôi đều phải chấp nhận. Sau này tôi có nghiên cứu, tối ưu dần và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp thì đưa sản phẩm ra thị trường được đóng gói cẩn thận hơn, và đặc biệt là chất liệu để đóng thì tôi cũng chọn chất liệu đảm bảo được có bị chầm chẹn bởi các hàng hóa khác lên thì cũng không bị vỡ nữa".

Vẫn theo anh Tuyến, quá trình vận chuyển khá xa, mất nhiều thời gian. Cây rau sắn khi đã lên men rồi nếu để ở điều kiện bình thường sẽ tiếp tục lên men nữa và khi đó sản phẩm đóng trong túi sẽ bị căng phồng lên và cũng có thể là gây nổ, vỡ. Tuy nhiên, hiện tại anh đã tối ưu được hạn chế này.

Khôi phục cây sắn nếp bản địa bằng cách nâng tầm món rau sắn muối chua  - Ảnh 5.

Người dân trong vùng tham gia làm rau sắn muối chua.

Minh Thùy

Sau những cố gắng nỗ lực thì anh Tuyến đã được đền đáp bằng sự ủng hộ của cả chính quyền địa phương và người dân trong vùng. Bước đầu anh Tuyến hoàn thành được tâm nguyện là tạo việc làm cho bà con bằng cách ký hợp đồng với 10 hộ dân mua rau sắn để họ yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, để bảo chất lượng của món rau sắn muối chua mang thương hiệu của miền đất Tổ ra với cả nước thì anh Tuyến yêu cầu người trồng nguyên liệu cần tuân thủ nghiêm ngặt cả về thời gian thu hái.

"Thu hái cũng đảm bảo về thời gian theo quy định là bà con hái từ 6 giờ đến 9 giờ buổi sáng, sau 9 giờ tôi mới thu. Rau sắn này thu hái về thì phải sơ chế và ngâm ủ luôn, đến chiều tôi cũng không cân nữa. Tại vì rau sắn khi hái để nắng thì nó tăng nhiệt rất nhanh, gây cho cây rau bị nhũn, chất lượng của rau sẽ bị giảm đi." Anh Tuyến bộc bạch thêm:"Năm 2022 và năm 2023 thì doanh số đã cao hơn và đặc biệt là khách hàng đã biết đến chúng tôi nhiều hơn, sản lượng cao hơn. Trước tiên tôi hỗ trợ cho bà con trong việc phát triển kinh tế, nhưng để đồng hành với bà con được lâu dài thì đương nhiên là cái quan trọng nhất ở đây là chất lượng. Tôi hướng đến chất lượng đảm bảo sao cho được cái chất lượng tốt nhất thể hiện cái khác biệt ở loại rau. Sản phẩm mà tôi hướng đến bằng chất lượng và sự khác biệt", anh Tuyến nói.

Khôi phục cây sắn nếp bản địa bằng cách nâng tầm món rau sắn muối chua  - Ảnh 6.

Các hộ dân ở xã Thụy Liễu trồng sắn theo qui cách của anh Tuyến đề ra.

Minh Thùy

Chuyên gia Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam đánh giá cao mô hình nâng tầm sản vật địa phương của anh Tuyến. Ông cho biết ngày xưa với các món đặc sản ở các địa phương muốn đến được tay người tiêu dùng thì mất rất nhiều công sức và đôi lúc người ta phải lên tận nơi để thưởng thức món đó. Với công nghệ bây giờ cũng như với sức trẻ muốn khởi nghiệp của bạn Tuyến đã nhận ra câu chuyện nghiên cứu để tìm ra phương pháp bảo quản tốt nhất, cách đưa vào thị trường tốt nhất thì chính việc bạn dám làm, dám nghĩ đã giúp cho sản phẩm có chỗ đứng riêng biệt. Với phương diện lớn này thì sẽ đến tay được nhiều khách hàng hơn và nó sẽ mang lại sinh kế bền vững, giúp cho các bạn thành công trong khởi nghiệp.

"Ngày xưa không phải muốn ăn là có được ngay. Muốn ăn có thể phải đến tận nơi đó mới được thưởng thức. Bây giờ thế mạnh của thời điểm này đã giúp cho những người muốn ăn lá sắn muối chua có thể tiếp cận được nhanh nhất và có thể được thưởng thức nó bất kỳ ở nơi đâu", chuyên gia Phạm Hải Quỳnh bày tỏ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.