'Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu'

28/04/2018 21:53 GMT+7

Trước bài toán về tình trạng kẹt xe, nhiều bạn trẻ đã nghiên cứu những mô hình khởi nghiệp nhằm từng bước tìm ra lời giải cho bài toán khó từ nhiều năm nay.

Những dự án khởi nghiệp này đã tranh tài tại cuộc thi Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu vừa được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM.

Ứng dụng tìm chỗ đỗ xe tự động

Theo Nguyễn Phương Linh và Hoàng Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, việc không có chỗ đỗ xe, lấn chiếm lòng lề đường..., làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông của thành phố.  

Linh cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện TP.HCM đang quản lý gần 8 triệu phương tiện, tăng đến 70% so với năm 2010, trong đó có gần 1 triệu ô tô các loại. Theo quy hoạch, khu trung tâm TP.HCM rộng 930 ha có 8 bãi đậu xe ngầm. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có bãi xe nào được xây dựng chính thức. Cho nên việc tìm kiếm chỗ giữ xe tại TP.HCM là một vấn đề nan giải.

“Hiện nay tại TP.HCM có rất ít bãi xe được đầu tư bài bản và có đăng ký. Phần lớn là các bãi giữ xe trong các tòa nhà, trung tâm thương mại, hoặc những bãi xe tự phát và không hiện đại. Vì vậy, việc chủ xe có nhu cầu gửi xe rất khó để biết được những bãi xe nào còn chỗ trống cũng như giá cả của từng bãi xe...”, Linh nói.


Ứng dụng của 2 cô gái mang tên AuP. Ngoài chức năng là tìm kiếm được chỗ đỗ xe hợp lý và gần nhất, ứng dụng còn cho phép người dùng đặt trước chỗ đỗ xe theo giờ, với giá được xác định trước một cách cụ thể. Không những thế các chủ xe còn có thể “đấu giá” chỗ đỗ xe theo ý muốn, giúp nhà cho thuê chỗ đỗ xe đảm bảo doanh thu, thậm chí người dùng khác cũng có thể có tiền từ việc “bán lại” chỗ đỗ xe đặt trước.

“Chính vì những tính năng này mà cả người dùng lẫn nhà cho thuê chỗ đỗ xe đều hài lòng vì đều có lợi khi sử dụng”, Hà tự hào.

Với những tính năng ưu Việt, ứng dụng của Linh và Hà đã giành được giải nhất tại cuộc thi.

Thu phí nội đô và đèn cảnh báo ùn tắc

Nữ sinh báo chí Dương Nguyễn Kim Ngân đến từ Trường ĐH Khoa học Huế thì đề xuất ý tưởng thu phí nội đô để chống tắc đường.

Với ý tưởng này, Ngân phân tích những mặt hạn chế của đề xuất thu phí nội đô đã có trước đó nhưng vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi. 

Ngân nói: “Đề xuất thu phí nội đô chưa công bằng nếu phương tiện chỉ đi vào khu vực nội đô một đoạn ngắn nhưng vẫn phải đóng phí như các phương tiện tại chỗ hoạt động liên tục nhưng ít ra khỏi khu vực nội đô...”.

Chính vì thế, Ngân đưa ra ý tưởng thay vì xây dựng trạm thu phí tự động thì xây dựng hệ thống định vị tích hợp nhằm theo dõi quãng đường đi thực tế mà phương tiện lưu thông nhằm thu phí đường bộ.

Theo đó, sẽ xây dựng bộ quy chuẩn lắp đặt hệ thống định vị, vị trí phương tiện, xây dựng hệ thống theo dõi tính phí tự động. Phí thu sẽ được tự động trừ vào tài khoản của chủ phương tiện. Và cũng cần xây dựng khung pháp lý để tạo gói thu phí lâu dài dành cho các chủ phương tiện.

Với ý tưởng này, Ngân tin tưởng: “Giảm nhanh mật độ xe lưu thông trong khu vực nội đô và tạo tính công bằng cho các phương tiện bị thu phí...”.


Cũng với mong muốn giảm được ùn tắc giao thông, 2 sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là Võ Hoàng Trang và Vũ Thị Ngọc Hương đã đưa ra giải pháp sử dụng hệ thống đèn cảnh báo ùn tắc sớm.

Hương đặt vấn đề hiện nay có nhiều ứng dụng cảnh báo ùn tắc giao thông hay các kênh radio. Nhưng không phải đối tượng tham gia giao thông nào cũng có thể nghe radio khi đi đường hay có thể mở điện thoại thường xuyên để kiểm tra ứng dụng báo điểm kẹt xe.

“Chính vì thế tụi mình nghiên cứu nên có đèn cảnh báo ùn tắc giao thông, để người đi đường có thể sớm phát hiện mà né tránh”, Hương nói.

Hương cũng chỉ ra: “Hiện nay ngoài 3 tín hiệu đèn giao thông cơ bản là xanh, đỏ, vàng thì mình đề xuất có thêm một hàng đèn điều khiển tín hiệu mới, đặt song song với hệ thống đèn tín hiệu cũ. Tín hiệu đèn mới chỉ hướng cảnh báo tắc đường sẽ báo hiệu bằng cách nhấp nháy. Các phương tiện giao thông khi thấy tín hiệu có thể lựa chọn di chuyển sang tuyến đường khác để tiếp tục lưu thông".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.