Khởi nghiệp trẻ cùng công nghệ: Giúp học sinh tiếp cận AI

Phạm Hữu
Phạm Hữu
14/03/2023 10:00 GMT+7

Anh Trần Quang Viễn (32 tuổi), phụ trách đào tạo Chương trình Robotics & trí tuệ nhân tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) và cũng là chủ dự án STEM AI - Robotics, đã đưa ứng dụng công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo (AI) vào dạy thực tế tại một số trường học tại TP.HCM.

HỌC SINH THÍCH THÚ KHI ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM

Xuất thân từ ngành công nghệ tự động hóa - robot nên anh Viễn đã "lân la" tìm hiểu và chọn dấn thân vào lĩnh vực giáo dục STEM AI - Robotics. Thời gian sau, anh bắt đầu tham gia với vai trò "đào tạo giáo viên" cho một hãng robot giáo dục trụ sở tại Đan Mạch. Nhận thấy rằng đằng sau bộ môn này, ngoài giáo viên, học sinh cũng phát triển được các kỹ năng quan trọng, thích ứng với bối cảnh đổi mới về công nghệ, cho nên Viễn luôn mong muốn đưa AI đến gần với học sinh hơn.

Anh tham gia vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này với vai trò là người cố vấn sáng tạo, định hướng chuyên môn, phương pháp giảng dạy, đặc biệt là tổ chức các hoạt động thi đấu, các cuộc thi robot dành cho học sinh với sự tham gia của hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Khởi nghiệp trẻ cùng công nghệ: Giúp học sinh tiếp cận AI - Ảnh 1.

Mô hình AI của anh Viễn được áp dụng vào một số trường học

NVCC

Viễn cho biết trong giai đoạn này, AI là một lĩnh vực được xem là xu hướng công nghệ đã và đang thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Tác động của công nghệ AI không chỉ giới hạn ở lực lượng lao động. AI có ý nghĩa sâu sắc đối với văn hóa, sự đa dạng, giáo dục, kiến thức khoa học, truyền thông…

Vì vậy, Viễn chọn cách nghiên cứu, tích hợp việc giảng dạy các kiến thức về AI cho học sinh dựa trên khung chương trình và khung năng lực AI được đề xuất bởi tổ chức UNESCO, nhằm mục đích trang bị cho học sinh những hiểu biết nhất định về AI.

Cách tiếp cận để giảng dạy chương trình này là sử dụng các nguồn tài nguyên mã nguồn mở của các tổ chức uy tín trên thế giới như Google, Microsoft..., bên cạnh đó là tích hợp cùng với thiết bị phần cứng robot, cụ thể là camera AI xử lý hình ảnh và nhận diện giọng nói.

Ưu điểm khi đưa AI vào trường của Viễn giúp học sinh thích thú khi được trải nghiệm thông qua các mô hình thực tế. "Chẳng hạn như khi học chủ đề "xe tự lái", các em được sáng tạo mô hình "xe robot" và camera AI, có thể phân biệt được các tín hiệu giao thông và người đi bộ khi chạy mô phỏng trên sa bàn. Qua đó, giúp các em vận dụng kiến thức đã học bằng một dự án cụ thể", Viễn nói.

Khởi nghiệp trẻ cùng công nghệ: Giúp học sinh tiếp cận AI - Ảnh 2.

Mô hình để học sinh thực hành lập trình AI trong lớp học

Phạm Hữu

Khởi nghiệp trẻ cùng công nghệ: Giúp học sinh tiếp cận AI - Ảnh 3.

Học sinh THCS được học về robot và AI trong giờ học chính khóa

Phạm Hữu

ĐÃ CÓ MỘT SỐ THÀNH TỰU NHẤT ĐỊNH

Đến thời điểm này, chương trình AI của Viễn và nhóm đang được giảng dạy tại một số trung tâm và trong giờ câu lạc bộ STEM công nghệ tại các trường THCS. Thông qua việc học về AI - Robotics đã giúp học sinh nghiên cứu, sáng tạo các dự án, tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố.

Viễn hài lòng nhất là học sinh thật sự yêu thích bộ môn này, khi tham gia câu lạc bộ, học sinh được thảo luận, chia sẻ những ý tưởng, và cùng nhau sáng tạo nên các mô hình công nghệ AI, những trải nghiệm đó giúp học sinh tự tin hơn.

Đối với việc ứng dụng AI vào dạy và học, theo Viễn, là một điều tất yếu. Hiện tại đã có rất nhiều ứng dụng, cụ thể như học ngoại ngữ, AI giúp người học kiểm tra phát âm và cá nhân hóa các nội dung nhằm phù hợp với nhu cầu người học. AI giúp trường học đổi mới cách giảng dạy và hỗ trợ học sinh, theo sát từng học sinh để giúp các em cải thiện năng lực học tập. Hỗ trợ thầy cô trong việc thiết kế các nội dung dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh. Viễn đang giúp học sinh vận dụng, sáng tạo được các sản phẩm AI cụ thể dựa trên kiến thức nền và qua đó học tập hiệu quả hơn.

Theo Viễn, với năng lực ham học hỏi, người trẻ Việt sẽ đủ sức làm chủ tri thức, đặc biệt là tri thức AI, từ đó tạo ra những dự án khởi nghiệp mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội. "Thời điểm hiện tại, tôi thấy đã có rất nhiều bạn trẻ tài năng khởi nghiệp nên các dự án có tầm ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, và điều đó làm tôi rất tự hào", Viễn chia sẻ.

Đồng thời, Viễn cho rằng khó khăn lớn nhất của khởi nghiệp trẻ như anh là phần vận hành để biến những ý tưởng thành sản phẩm thực thụ, được thị trường chấp nhận, từ đó mở rộng và phát triển. Đối với lĩnh vực AI thì sự đổi mới về công nghệ là điều xảy ra một cách liên tục. Do đó, rất cần những người "thầy" giỏi luôn đồng hành, định hướng để thế hệ trẻ học hỏi, từ đó sẽ có tầm nhìn xa hơn, đánh giá được đầy đủ những điểm mạnh và điểm yếu về dự án của mình. Bên cạnh đó là những sự hỗ trợ về nguồn vốn, truyền thông, quảng bá từ các tổ chức uy tín thì hành trình khởi nghiệp về AI của người trẻ Việt sẽ bền vững và đạt nhiều thành tựu rực rỡ hơn. 

Bà Mai Thị Hồng Hương, giáo viên bộ môn vật lý và STEM Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM), cho rằng giáo dục STEM, Robotics, AI là một phương pháp giáo dục rất hiệu quả và cần thiết trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Việc triển khai giảng dạy chương trình này sẽ giúp học sinh phát triển các kỹ năng sáng tạo, tư duy logic, giải quyết vấn đề, học tập độc lập, và tăng khả năng làm việc nhóm. Các học sinh còn được trang bị kiến thức về công nghệ, máy móc, tự động hóa, và AI, đời sống thực tế trong tương lai. Ngoài ra, giúp học sinh phát triển kỹ năng mềm trong công việc và cuộc sống. Tôi tin rằng việc triển khai giảng dạy chương trình AI sẽ giúp trường học đào tạo ra các thế hệ học sinh có tư duy sáng tạo và năng lực vượt trội trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.