Khởi nghiệp độc đáo giúp hạn chế nạn săn bắt động vật hoang dã

26/12/2020 13:13 GMT+7

Với chủ đề đặt ra để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm hiện nay từ cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize, nhiều bạn trẻ đã có những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo và rất tiềm năng.

Tại vòng chung kết tuyển chọn vòng trường cho cuộc thi Hult Prize để thi đấu khu vực được tổ chức tại Trường ĐH RMIT Việt Nam, nhiều người khá ấn tượng với những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của sinh viên về lĩnh vực lương thực, thực phẩm.

Hạn chế nạn săn bắt động vật hoang dã

Xuất sắc giành được giải quán quân tại cuộc thi, đội Stragixx gồm những thành viên là Nguyễn Thế Hoàng Kim, Từ Hữu Phúc, Bùi Thúy Vy, Nguyễn Thị Lan Phương (cùng là sinh viên Trường ĐH RMIT) với sản phẩm thanh năng lượng, bột dưỡng chất và nước ép sử dụng thành phần chính là rong chân vịt - một loại rong biển có giá trị dinh dưỡng cao thường được tìm thấy ở các rặng san hô ở vùng biển miền Trung Việt Nam. Rong chân vịt chứa hàm lượng i ốt cao giúp ngăn ngừa bệnh bướu cổ, ung thư cổ tử cung và các bệnh thiếu hụt chất dinh dưỡng. Ngoài ra, rong chân vịt còn có thể giải quyết nạn săn bắt động vật hoang dã bằng cách cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tương tự.

Nhóm của Hoàng Kim xuất sắc giành giải quán quân tại vòng tuyển chọn ở trường của cuộc thi

HOA NỮ

Chia sẻ cụ thể về lý do đến với dự án khởi nghiệp độc đáo này, Hoàng Kim, đại diện nhóm, cho biết sau chuyến đi du lịch đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi một thành viên trong nhóm đã tình cờ phát hiện ra đặc sản của tỉnh này là rau câu làm từ rong chân vịt. Ở đây người ta thu hoạch từ dưới biển lên, sau đó đem phơi khô dưới nắng. Điều đặc biệt ở đây là người ta phơi nắng loại rong này dọc trên các con hẻm để xe đi qua cán nhỏ những hạt đá trong đó, đây là một phương pháp lọc sạn thú vị ở đảo Lý Sơn. Mặc dù loại rong này mọc nhiều và còn bổ dưỡng, đặc biệt là bổ sung hàm lượng i ốt cao, nhưng vì hạn chế về mặt truyền thông và công nghệ chế biến còn khá thô sơ nên không được phổ biến rộng rãi đến người dùng.

“Chính vì thế, tụi mình nghĩ đến việc sẽ tận dụng nguồn tài nguyên này để chế biến ra một sản phẩm “Made in Vietnam” bổ sung chất dinh dưỡng cho người dân, nhất là giúp cho người bệnh bướu cổ và các bệnh xảy ra từ việc thiếu i ốt”, Hoàng Kim chia sẻ.

Theo Hoàng Kim hiện nay trên thị trường đa số sản phẩm rong chân vịt chỉ được sử dụng và chế biến tại hộ gia đình nhỏ ở một vài tỉnh lẻ và có một vài nơi phân phối sản phẩm rong chân vịt phơi khô. Điểm khác biệt là nhóm sẽ làm ra sản phẩm như sinh tố, thạch, bột từ nguyên liệu chính là rong chân vịt đồng thời bổ sung thêm các khoáng chất khác từ trái cây để tạo ra một sản phẩm ngon phù hợp với khẩu vị của mọi người và cuối cùng là phân phối sản phẩm này rộng rãi hơn đến người tiêu dùng

“Hiện nay nạn săn bắn động vật hoang dã để chế tạo ra thực phẩm chức năng như cao hổ cốt, sừng tê giác, cao hươu, tổ yến đã làm hại rất nhiều đến môi trường sống và hệ sinh thái. Trong khi đó sản phẩm của tụi mình được làm từ tảo, rong biển nhưng các chất hữu cơ này cũng có thể bổ sung dưỡng chất tương tự như các món làm từ động vật. Chính vì thế, rong chân vịt còn có thể giải quyết nạn săn bắt động vật hoang dã bằng cách cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tương tự”, Hoàng Kim tâm đắc với dự án khởi nghiệp của nhóm.

Các nhóm thuyết trình tại cuộc thi

HOA NỮ

Mặc dù không học chuyên về thực phẩm nhưng Hoàng Kim cho rằng nhóm khá may mắn vì các thành viên của nhóm đều xuất phát từ các ngành học khác nhau như Marketing, kinh tế tài chính, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế nên có thể giúp nhau bổ sung kiến thức từ bên chuyên ngành của mình để hoàn thành tốt dự án.

“Cái khó khăn tụi mình gặp phải là việc điều chỉnh hương vị của rong chân vịt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng. Vì đây là một sản phẩm còn khá mới trên thị trường và nếu không được chế biến đúng cách sẽ có mùi hơi khó ăn. Khó khăn thứ hai là vì loại rong biển này nếu bị khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng tới rặng san hô, chính vì thế, trong tương lai để hạn chế tác động xấu thì nhóm đang nghiên cứu đến việc tự nuôi trồng rong trên đất liền”, Hoàng Kim chia sẻ về những khó khăn mà nhóm gặp phải.

Sản phẩm bột nhộng tằm đóng chai

Giành giải Nhì tại cuộc thi là những bạn trẻ của nhóm Bombyx, bao gồm các thành viên Nguyễn Nguyên Khôi, Lạc Tú Châu, Lê Khắc Yến Nhi, Nguyễn Kim Minh Thư (cùng là sinh viên Trường ĐH RMIT). 

Bombyx mang đến ý tưởng mong muốn làm sống lại một trong những làng nghề lâu năm về trồng dâu nuôi tằm và dệt vải. Song song với việc mang lại nguồn calcium dồi dào từ nhộng tằm. Nhóm đưa ra ý tưởng về sản phẩm bột nhộng tằm đóng chai đã qua chế biến giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng và giải quyết vấn đề an ninh lương thực của quốc gia.

Nhóm của Khôi giành giải Nhì tại cuộc thi

HOA NỮ

Xuất thân từ nguồn gốc miền Trung cũng như việc nhận thấy sự mai một của những làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại Quảng Nam, Khôi nảy ra ý tưởng muốn khôi phục lại những làng nghề truyền thống đó bằng cách sử dụng con nhộng tằm như một mũi nhọn trong việc chế biến thức ăn, cung cấp cho cả trong và ngoài nước.

“Ý tưởng này đã được nhóm triển khai, sau khi tiếp tục đào sâu và tìm hiểu về lợi ích của nhộng tằm - một loại côn trùng tiềm năng, chúng mình nhận thấy lượng Calcium trong nhộng tằm rất cao và mang tiềm năng lớn trong việc thay thế các nguồn Calicum khác như sữa và các động vật giáp xác khác (tôm và cua). Chính vì thế, nhóm Bombyx đã quyết định khiển khai sản phẩm bột calcium từ nhộng tằm với mong muốn biến đây thành một nguồn nguyên liệu tiềm năng cho những ai đã, đang và có nguy cơ thiếu hụt Calcium. Bên cạnh đó, mô hình kinh doang trồng dâu nuôi tằm bền vững của Bombyx hứa hẹn sẽ làm sống lại các làng nghề lụa tằm trên 300 năm tuổi tại Quảng Nam và mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân tại đây”, Khôi bày tỏ.

Bên cạnh đó, Khôi cũng tự hào cho rằng Bombyx là nhóm tiên phong tại Việt Nam trong việc chiết xuất Calcium từ con nhộng. Nhận thấy rằng thị trường sản phẩm bổ sung Calcium từ nhộng tằm dù tiềm năng nhưng chưa được khai phá, Bombyx cho rằng đây là một sản phẩm có tính ứng dụng cao, dễ hấp thụ và hứa hẹn sẽ thay thế những thực phẩm chức năng và các nguồn bổ sung Calcium khác.

Chính vì thế, sắp tới, nhóm hy vọng sẽ được có cơ hội làm việc và hợp tác với các nhà đầu tư để biến ước mơ và ý tưởng khởi nghiệp này thành hiện thực.

Hult Prize là cuộc thi khởi nghiệp xã hội thường niên với tổng giải thưởng trị giá 1 triệu USD do Trường Quốc tế kinh doanh Hult và Liên Hiệp Quốc đồng tổ chức, với sự bảo trợ của cựu Tổng thống Mỹ - Bill Clinton. Hoạt động theo phương châm khơi dậy ước muốn thay đổi thế giới của những bạn trẻ thông qua việc kinh doanh, cuộc thi thách thức sinh viên toàn thế giới giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách xoay quanh các chủ đề như an ninh lương thực, tiếp cận nguồn nước, năng lượng và giáo dục. Chủ đề của cuộc thi năm nay là thực phẩm “FOOD FOR GOOD” đang đón chờ những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của bạn trẻ trên toàn thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.