Khởi động xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa

21/04/2019 08:00 GMT+7

Việc khởi động dự án xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác Việt - Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh.

Quân chủng Phòng không - Không quân VN (Bộ Quốc phòng) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ngày 20.4 khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại VN. Tham dự lễ khởi động có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Về phía Mỹ, Phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Patrick Leahy dẫn đầu đoàn thượng nghị sĩ Mỹ gồm 9 thành viên thuộc đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, cùng Đại sứ Mỹ tại VN Daniel Kritenbrink và Giám đốc USAID VN Michael Greene.
[VIDEO] Hoa Kỳ và Việt Nam khởi động dự án xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa
Theo Bộ Quốc phòng, dự án sẽ xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao tại sân bay Biên Hòa trong khoảng thời gian dự kiến là 10 năm với các phương pháp xử lý và cô lập như được sử dụng tại sân bay Đà Nẵng. Chi phí dự kiến khoảng 390 triệu USD (hơn 9.070 tỉ đồng), từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Mỹ (183 triệu USD) và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng khi chứng kiến sự kiện lễ Khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Ông đánh giá cao các cơ quan chức năng của VN đã nỗ lực phối hợp với phía Mỹ thực hiện khối lượng rất lớn công việc và làm tốt công tác chuẩn bị để hôm nay lễ khởi động diễn ra, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong hợp tác song phương liên quan đến mục tiêu khắc phục hậu quả chiến tranh. Dự án đã có thể thực hiện còn nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của cá nhân ông Leahy và các thượng nghị sĩ Mỹ trong thời gian qua.

Dự án phức tạp

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, vào năm 2016, USAID đã hợp tác với các cơ quan chức năng VN hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa - nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh VN. Kết quả đánh giá cho thấy khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m³ nằm trên diện tích hơn 52 ha, gấp khoảng 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là ước đoán ban đầu vì không thể lường hết mức độ ô nhiễm khi dioxin thấm vào lòng đất. “Trầm tích ô nhiễm, càng đào lên bao nhiêu thì càng lộ ra bấy nhiêu”, Thứ trưởng nhấn mạnh, “chúng ta chưa lường hết được khối lượng cũng như mức độ phức tạp của các diễn biến trầm tích”.
Cũng trong ngày 20.4, USAID và Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở VN (gọi tắt là Văn phòng 701) ký bản ghi nhận ý định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật ở 7 tỉnh mục tiêu tại VN là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu: “Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ trực tiếp hỗ trợ cho một nội dung rất cụ thể: nạn nhân ở vùng nhiễm dioxin. Tôi cho đây là bước tiến mới trong nhận thức của Mỹ khi hợp tác với VN khắc phục hậu quả chiến tranh. Cái gì thực tế, cho dù nó có đau xót thế nào đi chăng nữa thì cũng phải thừa nhận và chúng ta tìm cách sửa chữa. Và chúng tôi rất hoan nghênh động thái mới này của chính phủ Mỹ”.
[VIDEO] Đoàn thượng nghị sĩ Mỹ cam kết hỗ trợ tẩy độc sân bay Biên Hoà
 

Nỗ lực hơn 30 năm

Về phần mình, thượng nghị sĩ Leahy khẳng định: “Đây là sự kiện vô cùng có ý nghĩa đối với chúng tôi. Dự án đặc biệt quan trọng vì nó sẽ ngăn chặn nguy cơ nhiễm độc dioxin lây lan trong cộng đồng dân cư và bởi vì Mỹ và VN cùng nhau triển khai dự án”. Lâu nay, ông Leahy nằm trong nhóm “3 người bạn của VN” trong thượng viện Mỹ cùng các ông John Kerry và John McCain với những đóng góp không mệt mỏi cho quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ song phương. “Dự án Biên Hòa là kết quả sau 30 năm hợp tác nhân đạo giữa hai bên từng thuộc phe đối địch”, vị thượng nghị sĩ kỳ cựu của Mỹ nhấn mạnh.
Có mặt trong đoàn, thượng nghị sĩ Tim Kaine (ứng viên Phó tổng thống Mỹ năm 2016) chia sẻ với Thanh Niên: “Giải quyết hậu quả chiến tranh là vấn đề rất quan trọng tại bang Virginia, nơi tôi đại diện tại thượng viện Mỹ. Nhiều người quen trong nhà thờ mà gia đình tôi thường xuyên đi lễ từng tham chiến tại VN, vì thế đối với chúng tôi, đây là vấn đề thực sự quan trọng”. Theo ông, dự án bắt đầu từ cách đây 30 năm đã mang đến thành công, và mỗi năm, “chúng tôi đều đấu tranh cật lực để giành được ngân sách ủng hộ nỗ lực này nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh tại VN”. Tương tự, thượng nghị sĩ Debbie Stablenow, thành viên cấp cao của Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện, cho biết: “Chúng tôi đến đây bởi vì chúng tôi quan tâm sâu sắc đối với quan hệ với VN và con người VN. Chúng tôi hiểu mình đang phải đối mặt với vô vàn công việc phải làm vì những gì diễn ra trong quá khứ và chúng tôi cam kết tạo nên sự khác biệt với người dân VN”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tiếp đoàn thượng nghị sĩ Mỹ

Chiều 20.4, tại trụ sở Thành ủy TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đoàn thượng nghị sĩ Mỹ do Phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Patrick Leahy dẫn đầu (ảnh). Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của đoàn, nhất là trong bối cảnh VN và Mỹ đang hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước. Trong cuộc tiếp, Bí thư Thành ủy thông báo về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của TP.HCM; lắng nghe và trao đổi cụ thể các câu hỏi của các thượng nghị sĩ về các lĩnh vực đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài. Liên quan đến vấn đề năng lượng, thượng nghị sĩ bang Hawaii, bà Mazie Hirono đề nghị hợp tác với TP.HCM trong việc sử dụng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, còn bang Alaska muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực lương thực và năng lượng khí đốt.
Vũ Dương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.