Khởi động lại đại lộ ven sông Sài Gòn

Đình Sơn
Đình Sơn
22/01/2022 06:54 GMT+7

Mới đây, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM sớm hoàn thiện đề án quy hoạch chung phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn , để làm sao có được con đường ven sông từ Q.1 đến H.Củ Chi nhằm khai thác và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn.

Vực dậy vùng đất tây bắc

Tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn là ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP.HCM từ đầu năm 2017. Khi đó, Tập đoàn Tuần Châu đã tiến hành khảo sát, xây dựng và đề xuất xây dựng tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 64 km nối từ cầu Bến Súc (H.Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Q.1), đi qua các quận huyện: Củ Chi, Hóc Môn, 12, Bình Thạnh, 1.

Phối cảnh dự án đại lộ ven sông Sài Gòn

Tập đoàn này cam kết trong vòng 24 tháng sẽ hoàn thành, bởi dự án đã được các ngân hàng, các nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng cam kết tài trợ vốn và nguyên vật liệu với giá trị hơn 30.000 tỉ đồng. Để có được bản thiết kế này, Tập đoàn Tuần Châu đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để khảo sát, thuê đơn vị thiết kế, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỉ USD. Về pháp lý, đã có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM về việc chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Tuần Châu hoàn thiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn. Dự án cũng đã được trình bày trực tiếp với Thủ tướng và nhận được lời khen ngợi về tính đột phá tư duy quy hoạch giao thông. Dự án cơ bản được các bộ ngành và trung ương đóng góp ý kiến và ủng hộ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế, bảo hộ độc quyền cho cá nhân ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu.

Ông Đào Hồng Tuyển cho biết ý tưởng xây dựng dự án đại lộ ven sông Sài Gòn xuất phát từ đề nghị hiến kế, đưa ra những ý tưởng giúp TP phát triển đột phá về giao thông của lãnh đạo TP.HCM. Ông Tuyển sau đó đã mời các chuyên gia, bay khảo sát từ Q.1 (bến Bạch Đằng) đến H.Củ Chi (cầu Bến Súc), tiếp xúc với nhiều người dân và nhận thấy vùng này vẫn còn khó khăn, đất đai hoang hóa, giao thông chưa thuận lợi...

Khi đó, ông cùng các cộng sự dày công nghiên cứu trong suốt thời gian dài và được các chuyên gia kinh tế đánh giá là dự án tạo nên sự đột phá về hạ tầng tại TP.HCM. Với tốc độ di chuyển 100 km/giờ, nếu được xây dựng người dân tại TP.HCM chỉ mất khoảng 25 - 30 phút đi từ Củ Chi về Q.1 (hiện nay mất khoảng 1 giờ 30 phút). Ngoài rút ngắn thời gian đi lại, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu tây bắc TP.HCM, giúp giãn hơn một triệu dân từ vùng trũng hay bị ngập lên một vùng đất cao hơn, hình thành các khu đô thị mới văn minh hiện đại trong tương lai.

“Tuyến đại lộ này khi hoàn thành sẽ khai thác khoảng 15.000 ha đất hoang hóa tại Củ Chi, người dân, nhà nước sẽ được hưởng lợi rất nhiều, tạo giá trị gia tăng cho TP. Không những vậy, các khu đô thị hình thành trong tương lai sẽ giãn được khoảng hơn 1 triệu dân, kết nối giao thông thuận tiện với Bình Dương, Tây Ninh, Long An và khu vực lân cận”, ông Đào Hồng Tuyển từng chia sẻ.

Thực hiện dự án theo hình thức PPP

Theo KTS Trần Tuấn, kinh nghiệm trên thế giới như Hàn Quốc cho thấy việc làm đại lộ ven sông là giải pháp tối ưu bởi giúp tiết giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vì đa số là đất bồi ven sông, ít nhà dân, các cơ sở hạ tầng khác. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng một tuyến đại lộ ven sông sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc giải phóng mặt bằng để xây đường. Khi làm tuyến đại lộ này có thể kết hợp chỉnh trang, khai thác quỹ đất hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn rộng đến 50 m vào việc xây dựng các tiện ích phục vụ người dân như công viên, bến du thuyền, các hoạt động thể dục thể thao dưới nước, lối đi bộ, nhà hàng, trung tâm triển lãm, nhà hát, nhà văn hóa…

Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ vực dậy sự phát triển của khu vực Tây Bắc vốn ì ạch lâu nay. Theo quy hoạch, TP.HCM có hai mảng xanh lớn ở H.Cần Giờ và H.Củ Chi, H.Hóc Môn nên việc làm đường qua các khu vực này cần đánh giá sự phù hợp, không phải cứ thấy đất trống là phát triển đô thị. Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM cũng từng xác định sẽ giữ mảng xanh sinh thái ven sông Sài Gòn, đặc biệt qua khu vực Hóc Môn, Củ Chi.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc

“Trong lúc QL 22 đang quá tải, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) chưa được triển khai thì đây là giải pháp khả thi để kết nối cả khu vực phía tây bắc với trung tâm TP. Đồng thời sẽ giúp vực dậy cả một vùng đất rộng lớn đang ngủ quên bởi như khu đô thị Tây Bắc đã rất lâu rồi không thu hút được nhà đầu tư vì hạ tầng kết nối quá kém”, KTS Tuấn nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu từng ủng hộ mạnh mẽ dự án này. Theo ông, nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đại lộ này sẽ nối trung tâm TP.HCM từ bến Bạch Đằng (Q.1) với các quận huyện ở phía tây TP như Hóc Môn, Củ Chi, 12, Gò Vấp. Không những thế, dự án còn giúp phát triển khu vực H.Bến Cát (Bình Dương), H.Trảng Bàng (Tây Ninh), H.Đức Hòa (Long An). Điều này sẽ giúp phá thế độc đạo của QL 22, tức đường Xuyên Á hiện nay. Tuyến đại lộ được đầu tư sẽ tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc rộng 9.000 ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay vẫn chưa thực hiện được.

Ông Châu cũng đề xuất các ngành chức năng TP đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung dự án đại lộ ven sông Sài Gòn vào quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. “Hiện nay, TP.HCM cũng đang điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030, do vậy cần thiết bổ sung dự án này vào một phần tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm tận dụng quỹ đất hiện hữu của địa phương. Kết nối đường nội bộ của nhiều dự án nhà ở thương mại cao tầng dọc hành lang sông Sài Gòn hiện nay để tạo điều kiện cho người dân TP tiếp cận được bờ sông. Do vậy, cần bổ sung dự án đại lộ này vào quy hoạch giao thông trục chính của TP.HCM. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi của dự án, TP cần đưa ra đấu thầu từng dự án thành phần, thực hiện dự án bằng hình thức đối tác công tư (PPP) là hợp lý. Quan trọng nhất là phải đấu thầu công khai, mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư quốc tế”, ông Châu nói.

Theo một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đại lộ trên hoàn thành sẽ hình thành một trục giao thông chính, kết nối với hệ thống giao thông hiện hữu tại Hàm Nghi (Q.1), cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh), kết nối với đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Huy Thông, Nguyễn Văn Lượng... của Q.12 và Q.Bình Thạnh. Đại lộ ven sông còn kết nối tại cầu Phú Long để từ đây đi ra QL 13, QL 1, QL 22... Khi tuyến đại lộ này hoàn thành sẽ góp phần rất lớn hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu vực phía Tây Bắc của TP, tạo động lực cho sự phát triển các quận, huyện vùng ven như 12, Hóc Môn và Củ Chi, thậm chí tỉnh Tây Ninh và khu vực lân cận. Dự án còn giúp giảm tải cho các tuyến đường Trường Chinh, ngã tư An Sương, QL 22… hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.