Khơi dậy tình yêu biển, đảo

17/08/2015 05:09 GMT+7

'Thông qua diễn đàn cổ vũ thanh niên thể hiện lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo quê hương bằng những hành động cụ thể và sống có trách nhiệm, nghị lực'.

“Thông qua diễn đàn cổ vũ thanh niên thể hiện lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo quê hương bằng những hành động cụ thể và sống có trách nhiệm, nghị lực”.

Các thành viên trong CLB ngư dân trẻ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong đánh bắt - Ảnh: Hiển CừCác thành viên trong CLB ngư dân trẻ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm
 trong đánh bắt - Ảnh: Hiển Cừ
Anh Đặng Minh Thảo, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, đã đánh giá như vậy về diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do T.Ư Đoàn phối hợp cùng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức vào sáng 16.8, thu hút hàng trăm thanh niên tham dự.
Hoàng Sa, Trường Sa là biển của mình, là ngư trường truyền thống của cha ông để lại thì mắc mớ gì mà sợ. Mình hành nghề là vừa phát triển kinh tế, vừa giữ biển của mình nữa
Ngư dân trẻ Đặng Hùng
Theo anh Thảo, diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi” là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là dịp để thanh niên nông thôn trực tiếp lắng nghe, lĩnh hội và nắm bắt những chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; đồng thời bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những kiến nghị chính đáng cũng như phát huy vai trò xung kích, tinh thần tự nguyện.
Giao lưu với thanh niên, thiếu tá Phạm Ngọc Quang, Đồn phó Đồn biên phòng Sa Huỳnh (Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi), cho biết ngoài nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ vững chắc an ninh biên giới biển, lực lượng bộ đội biên phòng luôn sát cánh cùng ngư dân, tạo mọi thuận lợi nhất để ngư dân yên lòng ra khơi bám biển vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
“Chúng tôi cho rằng mỗi tàu cá của ngư dân hiện diện trên biển là những cột mốc chủ quyền của đất nước. Ngư dân là tai mắt, giúp các cơ quan chức năng nắm thông tin diễn biến trên biển để có cách ứng phó kịp thời”, thiếu tá Quang chia sẻ những thông tin về chủ quyền trên biển mà các thanh niên đặt ra.
Cả hội trường im phăng phắc khi nghe ngư dân trẻ Đặng Hùng (32 tuổi, ở thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 98334 TS kể về những chuyến khơi xa. Sinh ra từ biển, lớn lên từ biển và nối tiếp nghề truyền thống của gia đình, sau hơn 10 năm bám biển, Hùng đã trở thành thuyền trưởng can trường giữa biển khơi.
Bao năm bám biển, tích cóp được ít vốn liếng cộng với vay mượn của người thân, mới đây, Hùng đầu tư hơn 3 tỉ đồng để đóng tàu cá có công suất 770 CV để hành nghề lưới vây. “Bây giờ ra khơi phải có tàu to, công suất lớn, đánh bắt theo tổ, đội mới có hiệu quả và kịp thời hỗ trợ nhau mỗi khi gặp thiên tai”, Hùng chia sẻ.
Theo Hùng, thời gian gần đây việc hành nghề ở Hoàng Sa, Trường Sa tiềm ẩn nhiều bất trắc, liên tục bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi, song anh cùng các bạn chài trẻ vẫn không hề nao núng, quyết bám biển đến cùng. Hùng tâm sự: “Hoàng Sa, Trường Sa là biển của mình, là ngư trường truyền thống của cha ông để lại thì mắc mớ gì mà sợ. Mình hành nghề là vừa phát triển kinh tế, vừa giữ biển của mình nữa. Thấy gì bất bình thường thì báo cáo với bộ đội biên phòng. Lực lượng ngư dân trẻ chúng tôi luôn suy nghĩ như vậy”.
Ý KIẾN
“Chỉ có phục vụ hết mình cho Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, đó là tình yêu cao quý nhất của những người lính biên phòng”.
Thiếu tá Phạm Ngọc Quang
“Người VN yêu chuộng hòa bình sẽ biết hóa tình yêu thành sức mạnh, gieo hành động bằng chính phần công sức nhỏ bé của mình. Những hoạt động của Đoàn đã làm cho các ngư dân trẻ cảm thấy ấm lòng và xem Đoàn là một hậu phương vững chắc. Từ đó các ngư dân trẻ vững tin hơn trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển”.
Bí thư Huyện đoàn Đức Phổ Nguyễn Thị Kiều
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.