Khơi dậy nguồn lực ‘tử tế’

22/02/2016 06:32 GMT+7

Trả lời Báo Thanh Niên hôm qua, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có đề cập đến cách thức cải cách thể chế, để có được sự “tử tế” của công chức với người dân - mục đích chính của việc cải cách nền hành chính quốc gia.

Trả lời Báo Thanh Niên hôm qua, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có đề cập đến cách thức cải cách thể chế, để có được sự “tử tế” của công chức với người dân - mục đích chính của việc cải cách nền hành chính quốc gia.

Sự tử tế là gì mà lại quan trọng đến như vậy? Trước hết đó là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người. Ở đâu có tử tế thì ở đó có sự an vui, ở đâu thiếu tử tế thì ở đó mọi người bất hòa nhau và không tôn trọng lẫn nhau.
Sự tử tế của công chức càng quan trọng, bởi lẽ, nó quyết định tính hiệu năng và đạo đức của nền công vụ. Người ta hay nói công chức là công bộc của dân, nhưng sự thật, mục tiêu phục vụ dân tốt đâu đó vẫn rất xa vời, khó khăn.
Thực sự mà nói, cách thức không thiếu, nhưng có lẽ suốt 15 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước, cái chúng ta thiếu chính là quyết tâm chính trị để tiến hành cải cách sâu rộng, để công chức thực sự là công bộc của dân.
Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng có nhận định: “Việc cải cách nền hành chính nhà nước tiến hành chậm, thiếu kiên quyết”, điều này hoàn toàn chính xác. Nhưng cũng không phải mọi việc đều chậm. Việc đơn giản thủ tục hành chính đạt được những thành tựu rất đáng kể; thủ tục ở các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... đã được cắt giảm đáng kể. Nhưng người dân không cảm nhận rõ nét những thay đổi, bởi lẽ, việc cải cách con người quá chậm. Mà suy cho cùng, cải cách hành chính quan trọng nhất là cải cách con người.
Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu quyết liệt quan tâm, đề cao thái độ, trách nhiệm của công chức với dân, với công việc, ở đó có sự chuyển biến rõ nét. Do vậy, yêu cầu tiên quyết của cải cách hành chính là phải gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu, như nắm “người có tóc” vậy.
Các tiêu chí trong việc lựa chọn cán bộ của ta thường được nhắc tới với các chuẩn mực như có bản lĩnh, trí tuệ, gương mẫu trong đạo đức, lối sống... Nhưng có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần lắm những người nghĩ khác, làm khác, dám xộc thẳng và phá vỡ những nếp nghĩ lạc hậu, không phù hợp đang ràng buộc chi phối một số cán bộ công chức của chúng ta.
Kaplan Thaler và Robin Koval, trong cuốn Sức mạnh của sự tử tế có viết: Ai cũng có nụ cười, nhưng chưa hào phóng ban tặng. Ai cũng có thể chìa tay, nhưng không hẳn để dành giúp đỡ. Ai cũng có thể khen, nhưng lại tiết kiệm với người khác. Ai cũng có lòng tử tế, nhưng chưa khơi dậy hết nguồn lực của nó. Có lẽ, cái chúng ta cần bây giờ là những lãnh đạo tử tế để khơi dậy nguồn lực tử tế trong mỗi công chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.