Khóc vì thần tượng và hội chứng cuồng si

30/03/2015 19:43 GMT+7

Kêu la, gào khóc, vật vã, hôn ghế, chặn đường thần tượng khi các ban nhạc của Hàn Quốc sang thăm… Có thể lý giải gì về một hiện tượng xã hội đang được tranh cãi gay gắt giữa ủng hộ và phê phán này?

Kêu la, gào khóc, vật vã, hôn ghế, chặn đường thần tượng khi các ban nhạc của Hàn Quốc sang thăm… Và không phải chỉ là những “nữ tín đồ”, mà cả những đấng “nam nhi chi chí”… Có thể lý giải gì về một hiện tượng xã hội đang được tranh cãi gay gắt giữa ủng hộ và phê phán này?

Bật khóc vì "đón hụt" thần tượng - Ảnh: Nguyên Trương 
Hội chứng cuồng
Điều “phi lý”, khó có thể dễ dàng lý giải là các mỹ nam và mỹ nữ xứ Hàn ấy khi đi qua Việt Nam thì vẫn “sống khỏe”, đâu có bị tai nạn hay tử nạn gì, cớ sao các “fan cuồng” Việt Nam lại kêu gào khóc lóc thảm thiết như thể sắp mất đi các thần tượng của mình? Có phải đó chính là những “sô diễn” phụ của những cá nhân sùng mộ để tôn thêm giá trị cho thần tượng và cho mọi người biết rằng mình thần tượng họ đến như thế nào?
Lý giải hiện tượng Mark Chapman, người đã ám sát thần tượng âm nhạc thế giới John Lennon vào năm 1980, các nhà tâm lý cho rằng ông ta đã bị chứng Hysteria, một hội chứng cuồng loạn không kiểm soát được hành đông của bản thân mình. Sùng bái Lennon, nhưng chính Chapman đã khai lý do bắn ông vì hắn ghen tỵ, vì thấy ông ta là người được cả thế giới ngưỡng mộ, còn hắn là “một người bất lực, không là gì cả”.
Nét tâm lý dễ thấy nhất của hiện tượng thần tượng chính là việc chúng tạo nên tính cộng đồng, tính “lãnh địa” trong thế giới hiện đại. Như một quốc gia, một tôn giáo nhỏ, những người thần tượng tạo ra cho mình một thế giới riêng tư với những đam mê, những luật lệ tách biệt với xã hội mà những người ngoài cuộc khó có thể dựa vào những luật tắc thông thường để phê phán…
Đó là lý do của việc không chỉ có người sùng mộ trẻ ở Việt Nam mà các “thần tượng” Hàn Quốc cũng có nhiều người sùng mộ ở các nước khác, kể cả những nước phát triển như Nhật.
Các “giáo chủ” đời mới
Có người sẽ ngạc nhiên là vì sao giới trẻ bây giờ ít thần tượng những người hoạt động trong những lĩnh vực khó khăn như chính trị, quân sự, khoa học hay văn chương mà thường đua nhau thần tượng những người hoạt động trên các lãnh vực vui chơi giải trí đại chúng như thể thao, phim ảnh hay âm nhạc. Đó là vì khi xã hội chuyển dần từ xã hội sản xuất sang xã hội tiêu thụ thì thì giờ nhàn rỗi là quan trọng và các “ngôi sao” giải trí lần lượt trở thành các “giáo chủ” của những đám đông “cuồng tín” trên thế giới, thay thế cho các thần tượng ngày trước.
Như trong môn thể thao bóng đá. Một câu lạc bộ nổi tiếng như Barcelona, Real Madrid, Manchester United có đến hàng trăm triệu cổ động viên trên khắp thế giới. Messi, Ronaldo đã trở thành các “messiah” (vị cứu tinh) của hàng triệu tín đồ bóng đá khắp thế giới. Năm ngoái, khi đội bóng Arsenal sang đá giao lưu với đội tuyển Việt Nam, một người hâm mộ đã không ngại chạy theo xe buýt của họ hàng mấy cây số để được lên xe và xin chữ ký các thần tượng của mình. Không ai cho đó là hành động “đáng thương” cả mà còn động viên cổ vũ người hâm mộ đó để hơn thua với cổ động viên các nước khác.
Không phải ngẫu nhiên mà nền văn hoá Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm của các nước châu Á như Việt Nam, nhất là ở giới trẻ. Bởi đó là một trong những mô hình văn hoá thành công, thành đạt, một sự kết hợp giữa văn hoá cổ truyền Á Đông và văn minh phương Tây. Người ta có thể nhìn thấy ở đó những con người trẻ trung, xinh đẹp, ăn diện rất mốt nhưng vẫn lễ nghi phép tắc nghiêm chỉnh và sống trong một xã hội trưởng giả với đầy đủ bi hài kịch của giới thượng lưu mới nổi...
Nguồn năng lượng mạnh mẽ...
Có nhà tâm lý học cho rằng tuổi trẻ nào cũng phải trải qua những “cơn sốt” thần tượng như một điều tất yếu. Tâm lý thần tượng chính là khả năng lý tưởng hóa cuộc sống và đó là nguồn động lực mạnh mẽ để con người ta vươn mình lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ít hay nhiều, tâm lý thần tượng đều có tính chất ám thị. Chính các phương tiện truyền thông xưa nay là những người dọn sẵn những mảnh đất màu mỡ cho các loại cây “thần tượng” mọc lên. Hãy xem hội chứng “cuồng” các ngôi sao Hàn hiện nay. Đó chính là hệ quả của hàng chục kênh truyền hình, hàng chục tờ báo mạng suốt ngày cứ chiếu ra rả và viết không ngừng về những “ngôi sao”, những bộ phim hay các ban nhạc xứ Hàn...
Hẳn có người sẽ tiếc vì nếu nguồn năng lượng “hướng thượng” đó của giới trẻ nước ta nếu hướng về các thần tượng, các lý tưởng xây dựng và phát triển đất nước thì sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn, như người Nhật, người Singapore hay người... Hàn Quốc lâu nay đã làm.
Như những dòng điện năng, bản thân các xúc cảm sùng bái, “cuồng si” hay đam mê này không đáng trách, chỉ những cái đích của những nguồn năng lượng mạnh mẽ này mới là điều quan trọng cần hướng tới.
Và đó phải chăng là trách nhiệm của giáo dục, của truyền thông...?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.