Khốc liệt cuộc chiến kinh tế Nga - phương Tây

13/03/2022 07:30 GMT+7

Song hành các diễn biến căng thẳng quanh chiến sự khi Nga tiến quân vào Ukraine, các xung đột kinh tế giữa Moscow với phương Tây cũng đang ngày càng khốc liệt.

CNN ngày 12.3 đưa tin tỉ phú Vladimir Potanin, tài phiệt giàu nhất nước Nga, khuyên Tổng thống nước này Vladimir Putin không nên quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài ngưng hoạt động tại Nga.

Theo đó, tỉ phú Potanin cho rằng việc quốc hữu hóa trên có thể khiến Nga rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn như đầu thế kỷ 20. Nhà tài phiệt này cảnh báo thêm: “Sự mất lòng tin trên toàn cầu về chính sách của Nga đối với nhà đầu tư nước ngoài”. Điều đó có thể khiến cho Nga mất rất nhiều năm để thay đổi.

Vật giá đang leo thang tại Nga khiến người dân nước này gặp nhiều khó khăn

Reuters

Giải pháp quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài dừng hoạt động tại Nga được xem là đòn “ăn miếng trả miếng” mà Điện Kremlin tính đến sau khi nước này chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây do chiến dịch quân sự mà Moscow tiến hành nhằm vào Ukraine. Mỹ cùng Anh và nhiều nước, đặc biệt là EU, đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận không chỉ nhằm vào Moscow, mà còn áp dụng đối với hàng loạt nhà tài phiệt, quan chức, doanh nghiệp Nga.

Ông Putin nói có thể tịch thu tài sản các hãng phương Tây rút khỏi Nga

Moscow đối mặt khó khăn chồng chất

Theo giới quan sát, việc Mỹ cùng đồng minh cấm vận, phong tỏa tài sản đối với nhiều tỉ phú xứ sở bạch dương còn nhằm tạo ra sức ép lên nội bộ nước Nga. Nhiều năm qua, các tỉ phú này được gọi là oligarch, chỉ những tài phiệt giàu có với thế lực chính trị mạnh mẽ, có ảnh hưởng khá lớn đến chính giới Nga. Nhiều người trong số đó được cho là có quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin. Chính vì thế, khi các oligarch bị thiệt hại nặng nề thì có thể tạo sức ép lên Điện Kremlin.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow đang khiến kinh tế Nga đối mặt hàng loạt khó khăn. Đến hôm qua, tỷ giá ruble Nga và USD giảm còn 134 ruble đổi 1 USD, sau khi lên mức 151 ruble đổi 1 USD vào ngày 8.3. Tuy nhiên, so với mức khoảng 80 ruble đổi 1 USD vào ngày 23.2, trước khi Nga tiến quân vào Ukraine, thì ruble xem như đã mất giá hơn 40%. Moscow cũng gần như bị chặn hầu hết các giao dịch quốc tế khi bị loại khỏi hệ thống thông tin thanh toán SWIFT.

Người Nga ở nước ngoài: đổi tiền mặt, tìm cách mở tài khoản ngân hàng mới

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng ngừng hoạt động tại Nga khiến cho nguồn hàng hóa ở nước này trở nên đắt đỏ, khan hiếm hơn. Theo tờ South China Morning Post, nhiều người Nga đã phải lo mua hàng tích trữ do vật giá được dự báo tiếp tục gia tăng, kinh tế khó khăn.

Cảnh báo cho Bắc Kinh

Các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng cho thấy các quốc gia như Nga và Trung Quốc trong tương lai rất dễ bị ảnh hưởng bởi các công cụ phi quân sự như lệnh cấm vận nhanh chóng. Đối với Nga, điều này thật tàn khốc, nhưng so với sự hội nhập sâu rộng của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu, thiệt hại của một cách tiếp cận trừng phạt tương tự tiềm năng và toàn diện đối với Bắc Kinh sẽ còn thảm khốc hơn.

PGS-TS Stephen Robert Nagy

Theo dự báo của Ngân hàng JP Morgan, kinh tế Nga sẽ suy giảm 35% trong quý 2/2022 và 7% trong cả năm nay. Tác động kinh tế lần này đối với Nga có thể tương đương với những gì nước này trải qua trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hoặc đại dịch Covid-19. Tờ The Wall Street Journal dẫn ý kiến một số chuyên gia kinh tế ước tính mức suy thoái có thể lên đến 10%, điều chưa từng xảy ra từ thời cải cách kinh tế hậu Liên Xô thập niên 1990.

Nhận xét khi trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: “Các biện pháp trừng phạt Nga lần này thể hiện sự thống nhất của nhiều bên Mỹ, EU, Nhật Bản và các quốc gia khác”.

“Nga hiện đã bị cắt khỏi hầu hết các nguồn tài chính quốc tế, các doanh nghiệp rời đi và tiền tệ của nước này đã mất giá nhanh chóng. Điều này có nghĩa là chi phí hàng hóa hằng ngày của người Nga trung bình sẽ bắt đầu tăng và giảm. Chúng ta không biết Nga có thể chịu đựng được những lệnh trừng phạt này trong bao lâu”, PGS Nagy nhận xét.

Chuyên gia này cũng đặt vấn đề: “Khi chiến sự Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt tiếp tục có hiệu lực, Tổng thống Putin có thể phải đối mặt với áp lực ngay từ nội bộ, dẫn đến việc Điện Kremlin phải tìm cách rút lui chiến thuật, áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” để ngăn nền kinh tế Nga sụp đổ”. Thậm chí, quyền lực chính trị của ông Putin sẽ bị hạn chế, còn nước Nga có thể trở nên xa rời hơn nữa với châu Âu. “Kết quả thế nào thì khu vực châu Âu cũng đối mặt nhiều thách thức và gây hệ lụy ảnh hưởng kinh tế toàn cầu”.

Cơn bão lan rộng toàn cầu

Thực tế, những ảnh hưởng lan rộng từ chiến sự Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga không chỉ khiến giá nhiên liệu leo thang, khi giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay, mà còn đang đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cấm vận Nga có thể khiến trạm không gian ISS rơi?

Cụ thể, việc các lực lượng Nga đang cắt đứt các tuyến đường vận chuyển khiến nhiều công ty hậu cần phải tạm ngừng dịch vụ, giá cước hàng không đang tăng vọt. Giá cước từ Trung Quốc đến châu Âu của Freightos Air Index vào cuối tháng 2 đã tăng hơn 80%, lên mức 11,36 USD/kg, do một số hãng vận tải đã áp dụng phụ phí rủi ro chiến tranh.

Lo ngại Trạm không gian quốc tế có thể rơi

Ảnh

Trạm Không gian quốc tế (ISS) trên quỹ đạo

NASA

Hãng AFP ngày 12.3 dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cảnh báo rằng Trạm không gian quốc tế (ISS) có thể rơi xuống trái đất.

Theo ông, các lệnh cấm vận có thể cản trở hoạt động của các tàu không gian Nga phục vụ ISS. Do đó, bộ phận của Nga trên trạm, có chức năng giúp trạm theo đúng quỹ đạo, có thể bị ảnh hưởng, khiến cấu trúc 500 tấn rơi xuống trái đất.

Trước đó, một đoạn phim do hãng RIA Novosti đăng trên Telegram khiến nhiều người lo ngại về số phận của ISS và phi hành gia Mỹ Mark Vande Hei. Theo chuyên trang Space.com, đoạn phim được Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ lại cho thấy phi hành gia này bị bỏ lại ở ISS, thay vì trở về trên tàu Soyuz của Nga vào ngày 30.3 như dự kiến. Tuy nhiên, ông Rogozin đã bác bỏ thông tin trên.

Khánh An

CNBC dẫn lời ông Dylan Alperin, người đứng đầu bộ phận dịch vụ của nền tảng phần mềm chuỗi cung ứng Keelvar, cho biết lực lượng hải quân Nga đã đóng cửa tuyến hàng hải ra vào biển Azov. Đây là một trong số ít các điểm tiếp cận thương mại đường biển ở Ukraine, vốn có đến 70% hàng hóa xuất khẩu được thực hiện qua đường biển.

Trong khi đó, cùng với Nga, Ukraine cũng là nhà cung cấp ngũ cốc lớn trên thế giới, chuyên bán các loại lúa mì, lúa mạch, ngô cho nhiều nước. Theo tờ The New York Times, Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới. Nga cùng với Ukraine đang chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Nguồn ngũ cốc của 2 nước này chiếm gần 70% lượng nhập khẩu của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine còn được mệnh danh là “ổ bánh mì của châu Âu” khi cung cấp một lượng lớn lúa mì và bắp cho các nước trong khu vực này. Khoảng 60% lúa mì tại Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Iran được nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

Đe dọa an ninh lương thực

AP dẫn cảnh báo từ cơ quan lương thực của LHQ vào ngày 11.3 lo ngại các nước nghèo ở Bắc Phi, châu Á và Trung Đông phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì có nguy cơ bị mất an ninh lương thực đáng kể vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Xung đột khiến giá lương thực đã tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vốn gây tổn hại lên chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu. Thực tế, giá lương thực đã tăng cao nhiều nơi. Ví dụ tại Libya, giá bánh mì lẫn bột mì đều đã tăng 40% gần đây.

Cơ quan Lương Nông LHQ: chiến sự Nga-Ukraine có thể khiến giá lương thực tăng 20%

Không chỉ xuất khẩu lương thực liên quan nguồn cung cấp ở Nga và Ukraine, mà 2 nước này còn cung cấp phân urê cho những nước khác trồng trọt. Chính vì thế, chiến sự tại đây cũng góp phần khiến chi phí trồng trọt tăng cao ở nhiều nước.

Trả lời Thanh Niên, ông David Dapice, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường chính sách công Kennedy của Đại học Harvard (Mỹ), lo ngại việc giá dầu tăng và giá thực phẩm tăng sẽ đẩy lạm phát tăng nhanh ở toàn cầu. “Trong bối cảnh như vậy, lạm phát dẫn đến lãi suất ngân hàng tăng lên gây ảnh hưởng đến đầu tư”, ông Dapice cảnh báo về ảnh hưởng mang tính dây chuyền.

Các nhân vật giàu có của Nga bị phương Tây cấm vận

Mỹ cấm vận:

Vladimir Bogdanov (Tổng giám đốc Surgutneftegas)

Sergei Ivanov (CEO Alrosa)

Suleiman Kerimov (cổ đông lớn của Polyus)

Vladimir Kiriyenko (CEO VK Group)

Andrey Patrushev (CEO Gazprom Neft)

Andrey Puchkov (lãnh đạo cấp cao VTB Bank)

Arkady Rotenberg (đồng sở hữu Stroygazmontazh)

Ivan Sechin (con trai của Chủ tịch Tập đoàn Rosneft)

Andrei Skoch (đồng sáng lập Lebedinsky Mining)

Yuri Soloviev (lãnh đạo cấp cao VTB Bank)

Viktor Vekselberg (Chủ tịch Tập đoàn Renova)

Anh cấm vận:

Roman Abramovich (Chủ tịch CLB bóng đá Chelsea)

Dmitri Lebedev (Chủ tịch HĐQT Bank Rossiya)

Elena Georgieva (Chủ tịch Novikombank)

Yuri Slyusar (Tổng giám đốc UAC)

Igor Rotenberg (cổ đông chính Gazprom Drilling)

Mỹ, Anh cùng cấm vận:

Oleg Deripaska (nhà sáng lập Tập đoàn Basic Element)

Alexei Miller (CEO Tập đoàn Gazprom)

Boris Rotenberg (đồng sở hữu SMP Bank)

Kirill Shamalov (cổ đông chính Ngân hàng Rossiya)

Alexander Vedyakhin (Phó chủ tịch thứ nhất Sberbank)

Sergei Chemezov (CEO Tập đoàn Rostec)

Mỹ, Anh, EU cùng cấm vận:

Denis Bortnikov (Phó chủ tịch VTB bank)

Petr Fradkov (Chủ tịch Promsvyazbank)

Andrey Kostin (Chủ tịch VTB Bank)

Igor Sechin (CEO Tập đoàn Rosneft)

Igor Shuvalov (Chủ tịch VEB)

Gennady Timchenko (sở hữu Tập đoàn Volga)

Nikolai Tokarev (Chủ tịch Tập đoàn Transneft)

Alisher Usmanov (cổ đông chính của Metalloinvest)

Yevgeny Prigozhin (sáng lập Công ty tư vấn & quản lý Concord)

Minh Hùng (theo Business Insider, The Guardian)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.