Khoảng 80% dược liệu sử dụng trong nước đang phải nhập khẩu

Liên Châu
Liên Châu
16/11/2023 17:07 GMT+7

Khoảng 80% dược liệu sử dụng trong nước là từ nguồn nhập khẩu. Các dược liệu cung ứng cho đơn vị điều trị phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, kết quả kiểm nghiệm chất lượng.

"Tỷ lệ các mẫu dược liệu, thuốc y học cổ truyền vi phạm chất lượng hiện giảm còn hơn 1% trong số được lấy mẫu kiểm nghiệm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Thời điểm 2010, tỷ lệ mẫu dược liệu, thuốc y học cổ truyền có kết quả kiểm nghiệm không đạt chiếm 7 - 10%", ông Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng, Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết tại họp báo về hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2, năm 2023. Họp báo do Bộ Y tế và các đơn vị phối hợp tổ chức sáng nay 16.11, tại Hà Nội.

  Siết quản lý chất lượng dược liệu - Ảnh 1.

Dược liệu sử dụng trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cần có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt

LIÊN CHÂU

Theo ông Ngọc, Chính phủ đã có các chính sách phát triển các vùng dược liệu gắn với nâng cao đời sống người dân. Việt Nam sẽ tham gia thị trường dược liệu toàn cầu. Đây là thị trường đang phát triển mạnh, ước đạt 400 tỉ USD vào 2030.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho biết thêm, Việt Nam hiện đã xuất khẩu các thảo dược, dược liệu có thể mạnh như: hồi, quế, thảo quả, nghệ... sang Trung Quốc, Nhật, châu Âu… Nhưng hầu hết là xuất thô hoặc tinh dầu thô nên giá trị chưa lớn. Do đó, cùng với phát triển vùng trồng, các đơn vị trong nước cần chú trọng hơn nữa về công nghệ chiết xuất, bào chế, có sản phẩm xuất khẩu tinh chế, giá trị cao.

Trước một số câu hỏi về lý do giá thuốc y học cổ truyền (thuốc thang) tăng khoảng 2 lần so với các năm trước, hiện trung bình 200.000 đồng - 300.000 đồng/thang, ông Thịnh cho biết, các năm gần đây, chất lượng dược liệu cung ứng cho các đơn vị điều trị đã quản lý rất chặt, buộc phải có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, phiếu kiểm nghiệm chất lượng theo lô... khi chất lượng tăng lên thì giá thành cũng phải tăng theo. Bên cạnh đó, trượt giá từ thực tế thị trường cũng là yếu tố khiến thuốc y học cổ truyền tăng giá. 

Ông Thịnh cho rằng, khoảng 70 - 80% dược liệu sử dụng trong nước đang phải nhập khẩu. Giá dược liệu phụ thuộc nhiều vào phía cung cấp, và biến động theo từng thời điểm thu hái. Có thời điểm, việc đấu thầu mua dược liệu khó khăn, không có đơn vị cung ứng do giá thực tế tăng, nhưng giá kế hoạch của các bệnh viện thì được phê duyệt thấp hơn giá thực tế.

Theo Bộ Y tế, dược liệu cung cấp cho bệnh viện, các đơn vị điều trị được quản lý chất lượng. Các lô dược liệu phải có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, kiểm nghiệm chất lượng. Trong nước sẽ có trang web đăng tải danh sách các dược liệu được trồng đạt chuẩn để các đơn vị có thể tra cứu về hồ sơ dược liệu, bao gồm thông tin về vùng trồng, đơn vị nuôi chịu trách nhiệm về chất lượng.

Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2.2023 diễn ra từ 20 - 23.12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. Hội chợ do Bộ Y tế (Cục Quản lý y, dược cổ truyền) phối hợp Hội Quân dân y Việt Nam và Viện Y dược quân dân y Việt Nam tổ chức.

Hội chợ có quy mô 300 gian hàng trưng bày dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong nước, thu hút khoảng 50.000 lượt khách tham quan.

Đây là hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nuôi trồng, phát triển tiêu thụ sản phẩm dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền trong nước; quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn nữa các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng; nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân về an toàn, sức khỏe trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.