Tranh cãi về kế hoạch ghép đầu người

04/03/2015 04:00 GMT+7

Một bác sĩ Ý đang triển khai các kế hoạch cho cuộc giải phẫu ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, và dự kiến các quy trình cần thiết sẽ sẵn sàng trong 2 năm nữa.

Một bác sĩ Ý đang triển khai các kế hoạch cho cuộc giải phẫu ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, và dự kiến các quy trình cần thiết sẽ sẵn sàng trong 2 năm nữa.

Một lần nữa viễn cảnh ghép đầu người lại trỗi dậy - Ảnh: AFPMột lần nữa viễn cảnh ghép đầu người lại trỗi dậy - Ảnh: AFP
Theo tờ Guardian, bác sĩ Sergio Canavero tại Turin (Ý) đã vạch ra các kế hoạch nhằm biến tham vọng lâu nay của ông thành hiện thực: ghép đầu người này vào thân người khác. Ông hy vọng sẽ sớm tập hợp được một đội ngũ các nhà giải phẫu học lành nghề để nghiên cứu các bước cần thiết, cũng như chuẩn bị đề án sẽ chính thức trình bày tại hội nghị các nhà giải phẫu học thần kinh tổ chức tại bang Maryland (Mỹ) vào tháng 6 tới.

Trong những tháng gần đây bác sĩ Canavero luôn cho rằng nền y khoa của nhân loại đã phát triển đến mức có thể cho phép cấy ghép toàn bộ cơ thể người, và phát biểu này đang khiến nhiều nhà giải phẫu học khác lo lắng lẫn kinh hãi. Ý tưởng về chuyện cấy ghép đầu từng được triển khai trước đây trong lịch sử y học. Và ca ghép đầu thành công diễn ra vào năm 1970, khi một bác sĩ tên Robert White đã dẫn đầu nhóm chuyên gia thuộc Đại học Case Western Reserve tại Cleveland (Mỹ) trong dự án ghép đầu một con khỉ vào thân con khỉ khác. Lúc đó, có thể do họ không đủ sức nối kết toàn bộ tủy sống vào cái đầu mới, cho nên sinh vật bị thí nghiệm không thể di chuyển được cơ thể. Dù vậy, nó vẫn sống được 9 ngày cho đến khi cơ thể đào thải cái đầu ngoại lai.

Đã có một khoảng lặng dài kể từ khi thế giới biết được dự án của tiến sĩ White. Tuy nhiên, đến năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) thu hút sự chú ý khi công bố kết quả cuộc thí nghiệm lắp ráp đầu chuột trên chuyên san CNS Neuroscience & Therapeutics.

Họ hy vọng theo thời gian sẽ chỉnh lý và hoàn tất quy trình mà họ cho rằng “có thể trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử y học và có tiềm năng cứu sống hàng triệu người”.

Về phần mình, từ năm 2013, tiến sĩ Canavero đã đề cập đến viễn cảnh chuyển đầu người này sang thân người khác và được cho là đã suy nghĩ kỹ càng về tiền căn, hậu quả, về các thách thức trong y học lẫn nền tảng đạo đức chung của xã hội. Ông đã công bố đề cương cho cuộc thử nghiệm mới trên tạp chí New Scientist, cam đoan rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là sử dụng các bộ phận cơ thể người để kéo dài cuộc sống của những người bị mắc các căn bệnh hiểm nghèo.

Theo quy trình của Canavero, đầu tiên các bác sĩ hạ thân nhiệt ở người hiến lẫn người nhận để các tế bào không bị hủy hoại trong quá trình phẫu thuật. Kế đến, phần cổ được cắt “ngọt”, và họ dùng các ống nhỏ để kết nối các mạch máu, trong khi phần tủy sống phải được cắt đứt bằng công cụ y khoa thật bén để giảm thiểu tổn hại về thần kinh. Đầu người nhận sẽ được chuyển qua cơ thể hiến, và giai đoạn kế tiếp khó khăn gấp bội. Tiến sĩ Canavero cho rằng các dây thần kinh tủy sống cho phép não người bắt liên lạc với cơ thể người hiến có thể được kết nối nhờ vào một hợp chất gọi là polyethylene glycol. Để ngăn cản bệnh nhân di chuyển gây tổn hại mối nối thần kinh trước khi lành hẳn, đối tượng phải được giữ trong tình trạng hôn mê sâu suốt nhiều tuần. Khi bệnh nhân được đánh thức, ông Canavero cho rằng họ có thể nói và cảm giác được khuôn mặt, dù phải đợi cả năm vật lý trị liệu trước khi sử dụng được thân xác người khác.

“Đó là một dự án quá sức tưởng tượng, khả năng triển khai hầu như không có”, Guardian dẫn nhận xét như đinh đóng cột của Goldsmith, giáo sư giải phẫu học thần kinh của Đại học California tại Davis, và nhiều chuyên gia khác cũng đồng quan điểm với ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.